Bộ Công Thương đi đầu trong chuyển đổi số
Chào mừng quý vị và các bạn đã đến với bản tin Chuyển động Công Thương của Báo Công Thương.
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 5/9/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Bộ Công Thương đi đầu trong chuyển đổi số; Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 4 giải pháp tạo đột phá trong thương mại Việt Nam - Quảng Tây (Trung Quốc); Đẩy mạnh liên kết, xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ.
Bộ Công Thương đi đầu trong chuyển đổi số
Bộ Công Thương đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến |
Tại Hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến” do Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức tại TP. Đà Nẵng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông tin những kết quả Bộ Công Thương đạt được trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Với các kết quả đạt được, Bộ Công Thương đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (cả về số lượng dịch vụ công trực tuyến và số lượng hồ sơ điện tử).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thúc đẩy chuyển đổi trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, chú trọng cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của bộ. Kết quả nổi bật đã triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến đạt hiệu quả cao cả về số lượng và chất lượng.
Hiện, Bộ Công Thương còn 303 thủ tục hành chính cấp Trung ương. Trong đó, có 267 thủ tục đủ điều kiện để giao dịch trực tuyến. Trong số 267 dịch vụ này có 168 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 99 dịch vụ công trực tuyến một phần với hơn 53.000 doanh nghiệp tham gia khai báo.
Tổng số hồ sơ nộp qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương trong 8 tháng đầu năm 2024 là hơn 1 triệu bộ hồ sơ, tương ứng với 99% tổng hồ sơ được gửi đến Bộ Công Thương.
Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương đảm bảo việc kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và các hệ thống khác theo yêu cầu của Chính phủ thông suốt, hiệu quả. Bộ Công Thương đã đưa 129 dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
8 tháng đầu năm 2024, Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương đã trao đổi hơn 725.000 bộ hồ sơ điện tử với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành xây dựng kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức và cá nhân trên Cổng dịch vụ của Bộ, kết nối với kho dữ liệu điện tử của tổ chức và cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành việc kết nối đồng bộ dữ liệu từ cổng dịch vụ công của Bộ với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ công của Chính phủ.
Ngày 22/12/2023, Bộ Công Thương đã công bố danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện thủ tục dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Với các kết quả đạt được, Bộ Công Thương đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (cả về số lượng dịch vụ công trực tuyến và số lượng hồ sơ điện tử).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 4 giải pháp tạo đột phá trong thương mại Việt Nam - Quảng Tây (Trung Quốc)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương đặc biệt coi trọng vai trò của Quảng Tây trong tổng thể quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc |
Vừa qua, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm với đồng chí Lưu Ninh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) nhân dịp sang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Nhận định vị trí và vai trò quan trọng trong hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam với tỉnh Quảng Tây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị đồng chí Lưu Ninh quan tâm, chỉ đạo các Sở, ngành của địa phương phối hợp triển khai nhiều nội dung hợp tác nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương.
Nhân dịp đồng chí Lưu Ninh sang thăm và làm việc tại Việt Nam, ngày 29/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm với đồng chí Lưu Ninh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương đặc biệt coi trọng vai trò của Quảng Tây trong tổng thể quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với Quảng Tây thời gian qua tăng trưởng liên tục, năm 2023 đạt 36,3 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ (32%) trong 7 tháng năm 2024.
Đáng chú ý, thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Quảng Tây chiếm tới trên 95% kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc; Việt Nam 25 năm liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây.
Nhận định vị trí và vai trò quan trọng trong hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam với tỉnh Quảng Tây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị đồng chí Lưu Ninh chú trọng 4 đột phá hợp tác: Trước hết mở rộng quy mô thương mại hàng hóa, trong đó tạo điều kiện thông quan nhanh tại các cửa khẩu, lối mở biên giới đặc biệt đối với hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; khuyến khích Quảng Tây tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, công nghiệp, khảo sát tại Việt Nam.
Hai là, duy trì ổn định chuỗi cung ứng, tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trong đó lưu ý việc phân luồng hàng hóa có hiệu quả giữa các cửa khẩu biên giới đất liền.
Ba là, thúc đẩy mở cửa thị trường đối với các loại nông sản Việt Nam, trước mắt ưu tiên các loại quả như hoa quả có múi, na, bơ, roi, đồng thời nghiên cứu thí điểm nhập khẩu gia công tại chỗ các loại quả này trong khi chờ các cơ quan chức năng chính thức cấp phép, tương tự như đã làm với quả chanh leo.
Bốn là, hỗ trợ hoạt động xây dựng thương hiệu Việt Nam tại Quảng Tây trên các nền tảng thương mại để người tiêu dùng Trung Quốc biết đến những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam.
Tại hội đàm, đồng chí Bí thư Lưu Ninh cho biết, mục đích chính của đoàn công tác Quảng Tây tới Việt Nam là triển khai nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, qua đó làm sâu sắc hơn hợp tác giao lưu trên các lĩnh vực, đặc biệt cùng Bộ Công Thương triển khai hợp tác và đóng góp tích cực vào cộng đồng giao lưu Việt - Trung.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đồng chí Lưu Ninh nhất trí cùng thúc đẩy hợp tác nhằm duy trì và phát triển mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước với những nội dung quan tâm bao gồm: việc tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng xuyên biên giới; nghiên cứu, đề xuất các mô hình hợp tác khu công nghiệp biên giới nhằm tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn nữa, nâng cao tính bổ sung lẫn nhau giữa các Khu công nghiệp hai bên.
Ngay sau hội đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và đồng chí Lưu Ninh Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã chứng kiến lễ trao 3 văn kiện hợp tác:
Một là, danh mục nhiệm vụ trọng tâm giữa Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương và Sở Thương mại Quảng Tây; Hai là, Bản ký tắt Bản ghi nhớ hợp tác về việc thúc đẩy khai thác tuyến vận tải container đường sắt liên vận quốc tế Việt- Trung giữa Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và Sở Thương mại Quảng Tây; Ba là, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Sở Thương mại Quảng Tây.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng, chuyến thăm của Bí thư Lưu Ninh sẽ đạt được nhiều thành quả thực chất, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa các địa phương hai nước, không ngừng làm phong phú thêm nội hàm của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Đẩy mạnh liên kết, xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ
Thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện chương trình công tác năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ.
Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ do Bộ Công Thương tổ chức sẽ diễn ra ngày 6/9/2024 tại Cần Thơ nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của khu vực.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Hội nghị có quy mô dự kiến khoảng 200 đại biểu tham dự là lãnh đạo UBND các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ…
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các cơ quan của các địa phương trong vùng sẽ tập trung bàn thảo về một số vấn đề quan trọng của vùng Đông Nam Bộ như: Phương hướng phát triển các nhóm ngành có lợi thế xuất khẩu của vùng; Xây dựng thương hiệu hàng hoá chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng;
Liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng cho các nhóm sản phẩm thế mạnh. Phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của vùng; Sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua/ phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng.
Bên lề hội nghị kết hợp tổ chức khu vực trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài vùng Đông Nam Bộ để hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương, tổ chức chương trình giao thương trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa các nhà cung cấp và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.