Trạm tin thị trường ngày 18/7: Sách mê tín dị đoan bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử Tiktok Shop
Sách mê tín dị đoan bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử Tiktok Shop
Các sản phẩm sách mê tín dị đoan được bày bán công khai trên TikTok Shop. Người bán thường dùng chiêu trò, đổi tên để tránh kiểm duyệt. Mặc dù cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra hết sức sôi động. Nguyên nhân là do nhu cầu của người dân về thể loại sách này vẫn cao, mức xử phạt với hành vi này chưa đủ sức răn đe.
Trên nhiều gian hàng Tik Tok Shop, không khó để người xem tìm được những video quảng cáo các sản phẩm sách mê tín dị đoan, được rao bán công khai như “Dự đoán theo tứ trụ”, “Sổ chép kinh Địa Tạng”, “500 bài thuốc hay chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian”...
Nhiều video trên sàn thương mại điện tử Tiktok Shop hướng tới bán các sản phẩm sách mê tín dị đoan. |
Trên trang @quyluatphongthuy có 71,8 nghìn lượt theo dõi, người xem có thể dễ dàng tìm thấy nhiều bài viết phân tích như: Tay trắng chữa bệnh, Cuốn sách giúp bạn tiết kiệm hàng trăm triệu, Thầy Minh Tuệ chia sẻ bài thuốc h.en suyễ,n, Bạn có thể tự chữa bệnh khi không phải bác sĩ… Từ đó, nhiều người đã tìm kiếm mua những cuốn sách về bói toán, tử vi để đi tìm lời giải cho những bất hạnh mà mình phải trải qua.
Dưới mỗi bài viết thường gắn thêm giỏ hàng gồm những sách có nội dung mê tín dị đoan, gắn mác sách y khoa, sách tôn giáo và triết học…
Đáng nói, việc bài trừ mê tín dị đoan đang được rất nhiều cơ quan ban ngành nỗ lực để thực hiện, việc lưu hành công khai và ngày càng nhiều những cuốn sách mê tín dị đoan dường như đang thách thức các nhà quản lý. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phải thừa nhận rằng, sách mê tín dị đoan nói riêng và sách lậu nói chung khiến cơ quan quản lý rất đau đầu.
Để ngăn chặn tình trạng bán sách mê tín dị đoan, các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng chế tài luật pháp đủ mạnh nhằm xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động bán sách có nội dung không lành mạnh, tránh ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục đào tạo.
"Thôn nữ" thị phi TikTok bán sầu riêng, trái 5kg giá 200k nhưng toàn vỏ là vỏ
Được nhiều người biết đến qua loạt video "nhà hàng thôn nữ" khi cô về quê tránh dịch, Cẩm Linh (tên thật của Thôn Nữ Cà Mau) đã quay và đăng tải nhiều video về ẩm thực địa phương như việc săn bắt cua, ba khía lên trang cá nhân để quảng bá quê hương.
Song song đó, cô "thôn nữ" ở vùng đất cuối tổ quốc này cũng bắt đầu sự nghiệp kinh doanh món ăn đặc sản bánh phồng tôm và từ đó, cô vướng vào không ít "drama" về chất lượng sản phẩm cũng như đáp trả với khách hàng.
Sau thị phi này, Thôn Nữ Cà Mau dường như không hoạt động nhiều trên mạng xã hội TikTok mà lui về vào video cuộc sống thường ngày ở YouTube. Cho đến gần đây, người ta mới thấy cô gái này xuất hiện trở lại qua những video thu hoạch và buôn bán sầu riêng của mình.
Chỉ mới trở lại với kênh mới với vỏn vẹn 13 video nhưng cô "thôn nữ" vẫn thu về triệu view kèm theo đó là lời bàn tán xôn xao về nội dung. Loại trái cây đang hot cũng được cô "thôn nữ" đăng tải xuyên suốt, từ thu hoạch, cách lựa chọn đến cách ăn ra sao đều có đủ.
Ngày 16/7, theo nhiều báo đưa tin, video xẻ trái sầu riêng mà Tiktoker nói: "Xin mẹ 200 ngàn để mua trái này" đang thu hút hơn cả. Nguyên nhân do trái sầu riêng này mà có giá lên đến 200 nghìn đồng quá vô lý, vì trái 5kg mà lượng vỏ đã chiếm đến 4kg, chỉ thấy chưa đến 1kg thịt sầu.
Nhiều người còn cho rằng như vậy chẳng khác gì bỏ tiền để mua vỏ sầu riêng, hoặc mua trúng sầu riêng "chín bòi".
Sau khi phần bình luận ngập tràn tranh cãi, thì cô nàng mới lên tiếng giải thích rằng mình chỉ nói đùa. Cô còn cho biết thêm khi thu hoạch trúng những trái như vậy thì chỉ để ở nhà ăn, chứ không dại gì mà mang đi bán cho khách hàng.
Lời giải thích này cũng khiến nhiều người bức xúc cho rằng cô đang cố tình câu view, tạo nội dung gây sốc để thu hút sự chú ý. Dù vậy nhưng những video tiếp theo thì cô nàng vẫn mang những trái sầu riêng không có nhiều thịt, toàn vỏ thế này để "mukbang" mặc lời chê "đúng là không biết chọn trái ngon".
Xăng giả, nỗi lo thật không phải của riêng ai!
Không chỉ là các sản phẩm tiêu dùng, mỹ phẩm mới bị làm giả, mà hiện nay các sản phẩm đặc thù như xăng, dầu đang bị các đối tượng làm giả rất nhiều và trà trộn vào thị trường xăng dầu hiện nay.
Trong thời gian vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH MTV Xăng dầu Đại Minh do bán xăng kém chất lượng gây ra hiện tượng chết máy.
Dù các cơ sở này đã bị xử phạt, nhưng làm sao biết được ngoài kia còn biết bao nhiêu cơ sở xăng giả tồn tại trái phép mà chưa bị phát hiện. Tính mạng con người đang bị đe dọa bởi những hành vi trái pháp luật, lừa lọc mất nhân tính.
Việc chạy đua theo lợi nhuận khiến nhiều kẻ mất nhân tính, coi thường tính mạng con người bằng việc sản xuất – buôn bán xăng giả. Dưới đây là một số cách phân biệt xăng giả và xăng thật:
Nhỏ vài giọt xăng lên tờ giấy trắng sau đó chờ xăng tự bay hơi. Nếu như trên mặt giấy không có cặn bẩn thì đó là xăng thật, chất lượng. Nếu trên giấy để lại cặn bẩn thì xăng đó đã bị pha tạp.
Dùng một vài giọt xăng lên đầu ngón tay và cảm nhận độ bám dính. Nếu có hiện tượng bám nhờn, thì đó là xăng đã bị pha dầu. Người tiêu dùng không nên đổ.
Đốt thử xăng: Lấy một ít xăng đốt thử tại khu vực xa cây xăng, hay nơi chứa xăng. Sau khi lửa tắt nếu trông thấy một lớp cặn như nhớt, để nguội đóng lại một lớp keo dẻo thì đó là xăng đã bị pha dầu.
Cần tránh mua phải các loại xăng này nếu không xe của bạn sẽ nhanh chóng bị hư hỏng. Để hạn chế tối đa việc mua nhầm phải xăng giả, xăng kém chất lượng, người tiêu dùng cần lựa chọn những đơn vị xăng uy tín trên thị trường và trang bị những cách thức nhận biết xăng giả.
Phương tiện làm việc của lực lượng Quản lý thị trường gồm những gì?
Trong chuyên mục “Hồ sơ Quản lý thị trường” ngày hôm nay, mời quý khán giả cùng đến với các quy định liên quan đến phương tiện làm việc của lực lượng Quản lý thị trường
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, các quy định liên quan đến nội dung trên nằm ở Điều 5 Nghị định số 33/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Theo đó, phương tiện làm việc phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường gồm:
Xe ô tổ chức danh theo quy định; xe ô tô phục vụ công tác chung; xe ô tô chuyên dùng: xe ô tô tải, xe ô tô bán tải, xe ô tô trên 16 chỗ ngồi, xe ô tô trang bị phòng thí nghiệm, xe ô tô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù; xe mô tô; xuồng cao tốc; máy bộ đàm, thiết bị đo, kiểm tra nhanh, thiết bị chuyên dùng, thiết bị công nghệ thông tin, điện tử, máy móc, thiết bị văn phòng và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác theo yêu cầu công tác và theo quy định của pháp luật.
Việc quản lý, sử dụng các loại phương tiện này phải phù hợp với yêu cầu công tác, tiêu chuẩn, định mức và phân cấp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Hi vọng, những thông tin trên sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc của quý bạn đọc. Nếu còn những thắc mắc liên quan, xin mời quý khán giả gửi nội dung câu hỏi đến Trạm tin thị trường, thông qua đường dây nóng của Báo Công Thương 0866.59.4498.
Nhức nhối vấn nạn làm giả hàng hoá của các thương hiệu lớn
Thời gian gần đây đã có nhiều sự việc liên quan đến nạn sản xuất, phân phối hàng nhái, hàng kém chất lượng của các thương hiệu thể thao như: Adidas, Nike, New balance,…
Liêp tiếp phanh phui nhiều vụ việc "khủng". Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Thái Bình, ngày 11/7, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành Quyết định xử phạt phạm vi hành chính 10 triệu đồng và buộc tiêu hủy 39 đôi giày giả mạo nhãn hiệu NIKE đối với bà Vũ Thị Mai (trú tại Tổ 8, Phường Phú Khánh, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình)
Ngoài ra Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành quyết định xử phạt vi hành chính đối với hộ kinh doanh của ông T.A.T (có địa chỉ tại 63 Điện Biên Phủ, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) với mức phạt 35 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Tại địa bàn Hà Nội đã ghi nhận cơ sở kinh doanh giày dép tại số 3 ngách 12, ngõ 82 Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội do bà Trần Thị Thanh Duyên làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang hoạt động kinh doanh giày dép mua trôi nổi giày dép các loại do Việt Nam và nước ngoài sản xuất trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Các sản phẩm giày dép, tất, lót giày mà cơ sở đang kinh doanh được đóng gói trong các túi ni lông hoặc có hộp giấy chưa được gập hoàn thiện đi kèm, trên hàng hóa và hộp giấy có các nhãn hiệu Adidas, Nike.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong, tạm giữ 5.182 sản phẩm có dấu hiệu hàng giả nhãn hiệu Adidas, Nike để tiếp tục mở rộng đấu tranh, làm rõ số lượng hàng giả và hành vi kinh doanh vi phạm của cơ sở kinh doanh giày dép này để đảm bảo xử lý triệt để, đúng quy định của pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả trong phòng, chống hàng nhái, hàng giả trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tập trung phát triển khai kế hoạch chống hàng giả tại các địa bàn quan trọng, các ổ nhóm, tụ điểm nổi cột.Tăng cường công tác tuyên truyền để tăng dần thay đổi tâm lý, thói quen hiệp hiệp sử dụng hàng giả, hàng vi phạm của một bộ phận người tiêu dùng; tổ chức các lễ vật trưng bày thật-hàng giả để cung cấp cho người tiêu dùng những dấu hiệu nhận biết hàng giả...
Phú Thọ: Ngăn chặn, tiêu hủy 250 kg sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong các ngày 5/7 và 13/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn, giám sát phương tiện vận chuyển hàng hóa trên tuyến Km 3 + 300 Quốc lộ 32C tránh thành phố Việt Trì thuộc phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Thọ; Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ liên tiếp xử lý 2 vụ việc vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sau khi thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định pháp luật, Đội Quản lý thị trường số 8 đã ban hành 2 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 20.000.000 đồng. Đồng thời, phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan tiến hành giám sát buộc tiêu hủy 250 kg nội tạng động vật là lòng, gan, phổi trâu, bò, lợn các loại không đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật.
Nhận định, trong thời gian tới, tình trạng vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai các giải pháp, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc chủ động nắm chắc tình hình tuyến, quốc lộ trọng điểm, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Xử phạt hộ kinh doanh phụ kiện nail bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Hưng Yên
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên, qua rà soát trên địa bàn và thực hiện biện pháp nghiệp vụ xác minh thông tin, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện Hộ kinh doanh Phụ kiện nail (địa chỉ: Thôn Cao Xá, thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) có sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook đăng bài quảng cáo hàng hóa có dấu hiệu vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể, ngày 8/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Phụ kiện nail (tại địa chỉ: Thôn Cao Xá, thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa bày bán tại cửa hàng là phụ kiện nail: 83 hộp Bột tráng gương làm móng (sản phẩm mỹ phẩm dùng để chăm sóc và tô điểm cho móng tay, chân) không có nhãn hàng hóa, trên sản phẩm không thể hiện nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa và người đại diện hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 3.055.000 đồng.
Đội Quản lý thị trường số 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính Hộ kinh doanh phụ kiện nail với hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa (mỹ phẩm) không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ.
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh phụ kiện nail về hành vi vi phạm trên. Số tiền phạt vi phạm hành chính là: 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Cảnh giác mê cung sữa bột giả, sữa bột nhái trên sàn thương mại điện tử
Ghi nhận của PV Báo Công Thương, sản phẩm bán chạy trên sàn TMĐT hôm nay là sữa bột Similac, được trợ giá 30% hiện bán ra với mức giá 705.000 đồng/hộp.
Dòng sữa Similac sở hữu nguồn dinh dưỡng dồi dào và rất an toàn cho sự phát triển toàn diện của bé. Bên trong chứa các thành phần gangliosides, AA, Lutein, vitamin E, DHA đều là những dưỡng chất tuyệt vời để giúp phát triển trí não cho trẻ dành cho các bé từ 0 - 6 tuổi tùy vào từng dòng sản phẩm như: Similac Total Protection, Similac 5G, Similac Total Comfort, Similac Neosure Eye - Q,...
Song song với đó, Similac còn có các dưỡng chất 5 - HMO, Nucleotides và Probiotics (lợi khuẩn BB-12) có hiệu quả trong việc tăng cường sức đề kháng. Hai thành phần 5 - HMO và Probiotics cùng hệ chất béo đặc biệt không dầu cọ nhằm hỗ trợ bé tiêu hóa tốt và tăng cường hệ miễn dịch.
Chính sự uy tín và chất lượng của sữa Similac nên sản phẩm luôn thuộc top bán chạy trên thị trường. Tuy nhiên, điều này vô tình tạo điều kiện khiến sản phẩm bị làm giả và trà trộn ra thị trường. Việc không xác định rõ nguồn gốc xuất xứ có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe như ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gây nguy hiểm cho tính mạng, nhất là các trẻ em cơ thể còn non yếu và sức đề kháng kém.
Do đó, người tiêu dùng cần lựa chọn các cửa hàng bán sữa chính hãng, uy tín, chất lượng, đặc biệt cần cẩn trọng khi chọn mua trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada,…