Trạm tin thị trường ngày 14/6: Beauty Blogger Trinh Phạm đang dần đánh mất niềm tin của khách hàng?
Xin kính chào quý vị và các bạn đang theo dõi “Trạm tin thị trường” của Báo Công Thương số ra ngày 14/6/2024. “Trạm tin thị trường” hôm nay gồm có những thông tin đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Beauty Blogger Trinh Phạm đang dần đánh mất niềm tin của khách hàng; Chu Thanh Huyền bị tố bán hàng không có tâm; Nhận diện sản phẩm nước tăng lực Redbull thật và giả...
Beauty Blogger Trinh Phạm đang dần đánh mất niềm tin của khách hàng
Beauty Blogger Trinh Phạm |
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng liên tục bình luận, đánh giá và cho rằng Beauty Blogger Trinh Phạm đang dần mất đi định hướng ban đầu khi xây dựng kênh Tiktok vì nhận quảng cáo sản phẩm nhưng lại quảng cáo quá đà về công dụng. Đặt mua sản phẩm, nhưng chất lượng lại không như quảng cáo.
Trinh Phạm là một trong những beauty blogger “thế hệ đầu” nổi tiếng ở Việt Nam, nổi lên từ Youtube khi chia sẻ về các tips, bí quyết và review các sản phẩm làm đẹp, thời trang từ 2014 khi vẫn còn du học tại Mỹ.
Sở hữu lượng fan khủng với hơn 1,2 triệu lượt người theo dõi trên trang Youtube và hơn 300 nghìn lượt theo dõi trên Tiktok, Trinh Phạm có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng mạng. Kể từ khi lập gia đình và gia nhập vào hội mẹ bỉm sữa, cô nàng Beauty Blogger này còn chuyển hướng sang cả mảng chia sẻ các bí quyết của bà mẹ bỉm sữa chăm sóc con và gia đình, chia sẻ các sản phẩm đồ dùng dành chăm sóc trẻ nhỏ, mẹ bầu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây qua loạt video của do nữ Beauty Blogger chia sẻ, cộng đồng mạng đều cảm thấy Trinh Phạm đang dần mất đi cái chất vốn có của cô khi nhận quảng cáo sản phẩm nhưng lại nói quá công năng của nó.
Nhiều người xem lên tiếng bình luận: “skincare mua về theo review của Trinh Phạm hầu hết đều không dùng được”, “Đồ mẹ và bé mua về không dùng được, không như clip chia sẻ”, “mình bầu tập đầu, mua bình sữa chicco theo review của bạn này, cố dùng được đúng 2 lần mà lần nào cũng không ra gì”…
Chính điều này khiến một bộ phận người xem cảm thấy nghi hoặc về việc liệu rằng Trinh Phạm có hay không việc sử dụng sản phẩm, không quan tâm chất lượng đến tay người tiêu dùng nhưng vẫn quảng cáo bất chấp? Trước đó, Trinh Phạm cũng đã từng nhiều lần livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử tiktok.
Chu Thanh Huyền bị tố bán hàng không có tâm
Một trong những nhân vật bán hàng online nổi tiếng hiện nay trên mạng xã hội chính là Chu Thanh Huyền - vợ cầu thủ Quang Hải. Nữ tiktoker này bán sản phẩm chăm sóc tóc, da..., hàng hóa được giới thiệu là có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, ồn ào xung quanh việc bán hàng online của Chu Thanh Huyền chưa bao giờ có điểm dừng.
Cộng đồng mạng liên tục có những bình luận, hay các video bóc phốt gay gắt về chất lượng các sản phẩm hàng hóa do hotgirl Chu Thanh Huyền quảng cáo, giao bán trên các nền tảng thương mại điện tử, từ sản phẩm kích thích mọc tóc, đến chăm sóc da mặt. Đông đảo cư dân mạng đồng tình cho rằng “cần phải làm thật nhiều clip bóc phốt về Chu Thanh Huyền vì nhiều người bị lừa quá”; “Dùng sản phẩm chán lắm, bị kích ứng đến giờ còn chưa hồi...”. Đỉnh điểm, mới đây, mạng xã hội lan truyền thông tin một khách hàng đặt mua sản phẩm Viên uống Biotin men bia 10000 từ Hotgirl Chu Thanh Huyền nhưng uống xong bị đau bụng, đi ngoài tiêu chảy. Dù đã phản hồi lại, nhưng hot tiktoker này không phản hồi và chưa đưa ra bình luận. Ngay sau sự việc xảy ra, cộng đồng mạng tiếp tục “bóc phốt” về nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa mà nữ tiktoker này đang bán như: “Tìm mãi bên thị trường Hàn, không có các sản phẩm như này”; “Hàng gia công nên chất lượng chỉ vậy thôi”.
Trước đó, nữ hotgril này còn vướng vào lùm xùm vì quảng cáo mỹ phẩm quá lố, thổi phồng công dụng như tiên dược với những câu từ khẳng định, tìm mọi cách thu hút người xem: “toner diệt mụn”, “kiếp này sẽ không bao giờ bị mụn”,... Sau những lời quảng cáo có cánh, dân mạng phong cho hotgril này biệt danh “cô gái bốc phét nhất tiktiok”. Ngoài ra khi livstream bán hàng, nhân vật này nói sai thành phần mỹ phẩm, có thể gây hiểu lầm nghiêm trọng với người dùng.
Nhận diện sản phẩm nước tăng lực Redbull thật và giả
Hiện nay, tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng ở nông thôn, vùng cao vẫn còn diễn ra phổ biến. Nếu chỉ nhìn qua về bao bì thì không ít người tiêu dùng sẽ nhầm lẫn hàng giả với hàng thật, bởi hàng giả hiện nay được sản xuất rất tinh vi chỉ cần thêm hoặc thiếu đi một chữ số thì sẽ giống hệt hàng thật. Cùng Trạm Tin thị trường hôm nay điểm qua các đặc điểm nhận diện hàng giả - hàng thật đối với sản phẩm nước tăng lược Redbull.
Theo các đặc điểm nhận diện hàng thật - hàng giả do Công ty TCP Việt Nam - nhà sản xuất nước tăng lực Redbull và phân phối tại thị trường Việt Nam cung cấp, sản phẩm nước tăng lực chính hãng phần nắp bật có khắc hình chú bò tót; logo là hình hai chú bò tót màu đỏ đang húc đầu vào nhau và vòng tròn vàng ở giữa... Trong khi đó, ở sản phẩm giả, sản phẩm vi phạm phần nắp bật không được khắc hình bò tót, sử dụng hình ảnh các con vật khác làm logo (như dê, trâu, ngựa...) và sử dụng nhiều hình khác như: Hình tấm khiên, hình lục giác...
Ngoài ra, các sản phẩm nước tăng lực giả, kém chất lượng, mẫu mã bao bì có phần giống với sản phẩm Rebbull chính hãng nhưng tên in lại là “Red Spear 250”. Trên sản phẩm có in dòng chữ “Made in VietNam” và cùng nhiều ký tự, chữ nước ngoài...
Xưởng sơ chế thực phẩm sử dụng 2,5 tấn gà đông lạnh nhập lậu và không nguồn gốc
Xưởng sơ chế thực phẩm thuộc Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thương mại thực phẩm Hoàng Gia có địa chỉ tại đội 18, thôn Phúc Tự Tây, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thường ngày, xưởng này luôn trong tình trạng đóng cửa, mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất, chế biến hàng hóa diễn ra bên trong.
Sau quá trình theo dõi, QLTT Quảng Bình đã kiểm tra đột xuất xưởng sơ chế thực phẩm và phát hiện hơn 2,5 tấn sản phẩm động vật đông lạnh gồm chân gà, cánh gà, đùi gà đông lạnh nhập lậu và không rõ xuất xứ.
Thời điểm kiểm tra, gần 20 công nhân của Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thương mại thực phẩm Hoàng Gia đang thực hiện việc rút xương chân gà, đóng gói, hút chân không sản phẩm và đưa vào cấp đông chờ đi tiêu thụ.
Theo khai nhận ban đầu của chủ cơ sở, Công ty Hoàng Gia chuyên phân phối các sản phẩm đông lạnh chế biến từ gà cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình, tuy nhiên, toàn bộ số nguyên liệu trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp.
Nội dung biên bản kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường được quy định như thế nào?
Một bạn đọc gửi đến chuyên mục Trạm tin thị trường với câu hỏi về nội dung biên bản kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường được quy định như thế nào?
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, Quy định về nội dung biên bản kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường nằm ở Điều 18 Thông tư 27/2020/TT-BCT.
Theo đó, biên bản kiểm tra phải lập đúng mẫu quy định và thực hiện theo quy định sau:
a) Khi lập biên bản kiểm tra phải có mặt tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra; trường hợp tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra vắng mặt hoặc cố tình trốn tránh thì khi lập biên bản kiểm tra phải có đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an cấp xã và người chứng kiến;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra từ chối ký biên bản kiểm tra thì khi lập biên bản kiểm tra phải có đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an cấp xã hoặc 02 người chứng kiến và ghi rõ lý do từ chối vào biên bản.
Về Nội dung biên bản kiểm tra:
a) Biên bản kiểm tra phải ghi đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra đối với từng nội dung kiểm tra; ý kiến của tổ chức, cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra, đại diện cơ quan phối hợp kiểm tra, người chứng kiến (nếu có); ý kiến đánh giá, kiến nghị, đề xuất của Đoàn kiểm tra đối với vụ việc kiểm tra;
b) Biên bản kiểm tra phải có đủ chữ ký của đại diện các bên liên quan đến việc kiểm tra, lập biên bản kiểm tra. Trường hợp biên bản có nhiều trang, nhiều liên thì phải có chữ ký của những người này vào từng trang, từng liên của biên bản, kể cả phụ lục và bảng kê kèm theo biên bản kiểm tra
Quảng Ninh: Thu giữ trên 5.000 sản phẩm thuốc lá điện tử tại Móng Cái
Ngày 12/6/2024, tại khu vực trước cửa số nhà 148, đường Mạc Đĩnh Chi, Khu 1, phường Ka Long, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Đội Quản lý thị trường số 4 đã phối hợp phát hiện một người đàn ông đang tập kết hàng hóa, có biểu hiện nghi vấn.
Tiến hành khám đồ vật theo thủ tục hành chính đối với 7 kiện hàng, Đoàn kiểm tra phát hiện 5.390 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ước trị giá trên 50 triệu đồng. Đối tượng P.Đ.D (sinh năm 1992, nơi đăng ký HKTT: Khu 2, phường Hải Hoà, thành phố Móng Cái) khai nhận mua thu gom toàn bộ số hàng hóa trên trôi nổi trên thị trường và đang chẩn bị gửi bán qua đơn vị chuyển phát nhanh trên địa bàn thành phố Móng Cái.
Vụ việc đang được Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với các lực lượng chức năng lập hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác phối hợp, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tổng cục QLTT.
Tây Ninh: Tiếp tục thu giữ hơn 5.000 cuốn sách giáo khoa giả
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra đối với sách giáo khoa giả trên thị trường, ngày 12/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 4 đã kiểm tra đột xuất Nhà sách Kiều Trâm, có địa chỉ tại số 76, đường Võ Thị Sáu, khu phố 4, Phường 3, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Qua kiểm tra, phát hiện Nhà sách đang buôn bán các loại sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với số lượng 5.547 quyển, tổng trị giá hàng hóa hơn 117 triệu đồng.
Toàn bộ số hàng hóa là sách giáo khoa trên bìa có ghi tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, có tem chống hàng giả có dấu hiệu giả mạo sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Khi dùng đèn chiếu lên tem chống hàng giả trên bìa sách thì trên tem không hiện họa tiết phản quang “GD”, không có họa tiết in nổi, phần phủ nhũ không cào được. Ngoài ra sách không được đóng trong thùng carton của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Đội QLTT số 4 đã tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng trên để xác minh, điều tra làm rõ xử lý theo quy định.
Cẩn trọng với khẩu trang “rởm” tung hoành thị trường
Ghi nhận của PV Báo Công Thương, sản phẩm bán chạy hôm nay trên sàn thương mại điện tử Tiktok là khẩu trang 5D,6D. Theo đó, khẩu trang 5D có giá thành 45.000 đồng/set (120 chiếc) trợ giá 44%; 70.000 đồng/set (200 chiếc) trợ giá 50%; khẩu trang 6D có giá 59.000 đồng/thùng 100 chiếc (trợ giá 57%); 125.000 đồng/thùng 200 chiếc (trợ giá 54%).
Những năm gần đây, chiếc khẩu trang đã và đang trở thành vật bất ly thân của mỗi người dân để phòng ngừa dịch bệnh. Do đó, sản phẩm này luôn bán chạy trên tất cả các sàn thương mại điện tử cũng như tại các siêu thị, cửa hàng, tiệm thuốc, tuy nhiên chính vì độ hot của sản phầm này và nhu cầu lớn của người tiêu dùng mà nhiều nhà sản xuất, người bán hàng sẵn sàng lợi dụng điều đó để “trục lợi” cá nhân tung ra thị trường sản phẩm khẩu trang kém chất lượng.
Nếu khẩu trang đúng tiêu chuẩn sẽ có tác dụng ngăn ngừa và phòng tránh những tác hại dễ xâm nhập vào đường thở, gây ra các bệnh về hô hấp do các tác nhân từ bụi, bụi mịn, khói, mùi độc hại, giọt bắn chứa vi khuẩn, virus… Tuy nhiên khẩu trang “rởm”, kém chất lượng do được may từ những loại vải, mút chưa được xử lý giặt tẩy, hoặc làm từ giấy vệ sinh kém chất lượng chứa vô số vi khuẩn thì không thể ngăn ngừa, phòng tránh được các tác nhân trên.
Không chỉ không ngừa được dịch bệnh thậm chí còn gây ra những tác hại khôn lường cho người sử dụng như gây dị ứng da, mẫn đỏ, do đó khách hàng cần chọn những địa chỉ, nhãn hiệu uy tín, chất lượng để sử dụng.