Trạm tin thị trường ngày 12/6: Thánh chửi Phạm Thoại - Tiktoker chuyên làm trò lố để câu view bán hàng
Xin kính chào quý vị và các bạn đang theo dõi “Trạm tin thị trường” của Báo Công Thương số ra ngày 12/6/2024. “Trạm tin thị trường” hôm nay gồm có những thông tin đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:Thánh chửi Phạm Thoại - Tiktoker chuyên làm trò lố để câu view bán hàng; Người nổi tiếng và trách nhiệm xã hội trên không gian mạng; Cách phân biệt sản phẩm Lego thật và giả.
Thánh chửi Phạm Thoại - Tiktoker chuyên làm trò lố để câu view bán hàng
Phạm Thoại nổi tiếng với những phiên livestream ồn ào, la ó gây mất thiện cảm trên Tiktok |
Liên tục có những hành vi, phát ngôn lệch chuẩn, nhưng cái tên Phạm Thoại luôn được viral trên khắp nền tảng mxh thậm chí mới đây còn được mời tham gia làm huấn luyện viên của 1 chương trình truyền hình thực tế, điều này đặt ra câu hỏi về các chế tài quản lí hành vi ứng xử lệch chuẩn của người nổi tiếng đã đủ sức răn đe hay chưa?
Chỉ cần nghe mà không cần xem video, nhiều người cũng đoán ra đây chính là Tiktoker Phạm Thoại - một hiện tượng mạng thích chửi bới người xem, một cách bán hàng không lệch được vào đâu.
Tiktoker Phạm Thoại tức Phạm Văn Thoại, SN 1996 - một KOL nổi lên bởi khả năng livestream bán hàng chốt đơn “khủng” thuộc top 1 trên nền tảng tiktok hiện nay với những phiên live cán mốc 2 triệu USD, những teaser quảng cáo phiên live đầu tư chỉn chu.
Chẳng có gì đáng nói nếu nam tiktoker này không thản nhiên thể hiện hành động lố lăng, quảng cáo 1 cách bất chấp, phản cảm để thực hiện mục đích của mình - câu view bán hàng.
Cụ thể, trong nhiều phiên live, Phạm Thoại luôn xưng hô với khách là “chúng mày”, nã thẳng những từ bậy bạ, thẳng thắn thừa nhận chửi, quát khách trên sóng, các phiên live của Thoại luôn được nhận xét là ồn ào, la ó, gào thét gây mất thiện cảm.
Không chỉ vậy, nam Tiktoker sẵn sàng bất chấp quảng cáo lố để lăng xê sản phẩm của mình. Theo đó, để giới thiệu sản phẩm dầu gội đầu, một nam nhân viên trong ekip Phạm Thoại đã được chính Thoại gội đầu ngay trên sóng livestream, tuy nhiên, Thoại liên tục dùng tay vò đầu với lực mạnh, giật mạnh tóc của nam nhân viên này, thậm chí anh chàng còn sử dụng 1 chậu nước tạt thẳng vào mặt của người này, khiến gương mặt nam nhân viên bộc lộ sự đau đớn, khó chịu với phần da ửng đỏ.
Một nữ nhân viên khác cũng trở thành “vật thí nghiệm” test sản phẩm của tiktoker sinh năm 1996 này, khi phải chấp nhận gội đầu với những động tác thô bạo.
Trước làn sóng chỉ trích lớn từ cộng đồng mạng về việc quảng cáo lố bịch, phản cảm, không màng đến sức khỏe của nhân viên, tiktoker 9X này thản nhiên lên tiếng: “tất cả đều có thỏa thuận từ trước, đôi bên đều vui vẻ, nếu nhân viên của Thoại phải làm việc quá sức thì chắc chắn bạn ấy sẽ không đi làm cho mình, còn nếu mọi người nhìn vào thấy phản cảm thì lần sau mình sẽ không làm nữa”.
Liên tục có những hành vi, phát ngôn lệch chuẩn, nhưng cái tên Phạm Thoại luôn được viral trên khắp nền tảng mxh thậm chí mới đây còn được mời tham gia làm huấn luyện viên của 1 chương trình truyền hình thực tế, điều này đặt ra câu hỏi về các chế tài quản lí hành vi ứng xử lệch chuẩn của người nổi tiếng đã đủ sức răn đe hay chưa? Bởi hành vi lệch chuẩn của họ chắc chắn sẽ gây ra sự lệch lạc trong suy nghĩ của 1 bộ phận cộng đồng mạng nếu chẳng may có người học theo vì cho rằng phải như Thoại mới “nổi tiếng”.
Trước đó, hồi 2023 Phạm Thoại còn vướng vào lùm xùm về việc không đóng thuế, bị “bóc phốt” lùa gà nhận tiền khách hàng nhưng không trả về quyền lợi như cam kết…
Người nổi tiếng và trách nhiệm xã hội trên không gian mạng
Cựu VĐV Thể dục dụng cụ Quốc gia gây phẫn nộ khi lan truyền các hình ảnh phản cảm trên nhóm chat riêng của mình |
Phạm Như Phương (nickname Louis Phạm, sinh năm 2003) từng là vận động viên thể dục dụng cụ quốc gia đang vướng vào những tranh cãi trên mạng xã hội khi chia sẻ những bức tranh có chứa hình vẽ phản cảm. Đây không phải là vấn đề mới, song, mức độ ảnh hưởng của sự việc ngày càng lớn, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục cũng như văn hóa người Việt.
Hiện tại Phạm Như Phương đang tập trung hoạt động sáng tạo nội dung trên TikTok, sở hữu 1,3 triệu người theo dõi. Thời gian gần đây, Phạm Như Phương nhiều lùm xùm đời tư, bị lập group anti có gần 80k thành viên.
Mới đây nhất, Phạm Như Phương gây bức xúc khi chia sẻ những bức tranh có chứa hình vẽ phản cảm trong nhóm chat riêng.
Cụ thể, mới đây trong thời gian nữ tiktoker này sang Mỹ và tham gia một buổi triển lãm tranh cùng gia đình, sau đó đã chia sẻ lại bức vẽ đạt giải Nhất trên trang cá nhân của mình. Tuy nhiên, nội dung của những bức tranh này gây phản cảm, hình ảnh quốc kỳ Việt Nam được vẽ một cách thiếu tôn trọng. Điều này dấy lên làn sóng phẫn nộ dữ đội từ phía người xem.
Khi bị netizen lên án, chủ nhân của loạt tranh vẽ nói rằng tác phẩm không phải 100% dựa trên sự thật lịch sử mà chỉ là góc nhìn riêng. Người này khẳng định bản thân trân trọng giá trị truyền thống Việt Nam dù ở bất cứ đâu.
Song, điều này không thể xoa dịu dư luận bởi người lan truyền loạt tranh vẽ nhạy cảm này là Phạm Như Phương từng biết đến với vai trò vận động viên quốc gia, đã tham gia rất nhiều giải đấu trong nước, quốc tế và tự hào khoác lên mình lá cờ Tổ Quốc.
Viêc chia sẻ loạt ảnh không tôn trọng quốc kỳ với thái độ "hồn nhiên" là điều không thể chấp nhận. Trường hợp của Phạm Như Phương tiếp tục là lời cảnh báo rất rõ ràng về trách nhiệm của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng khi ứng xử trên mạng xã hội và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
của mình. Tuy nhiên, nội dung của những bức tranh này gây phản cảm, hình ảnh quốc kỳ Việt Nam được vẽ một cách thiếu tôn trọng. Điều này dấy lên làn sóng phẫn nộ dữ đội từ phía người xem.
Khi bị netizen lên án, chủ nhân của loạt tranh vẽ nói rằng tác phẩm không phải 100% dựa trên sự thật lịch sử mà chỉ là góc nhìn riêng. Người này khẳng định bản thân trân trọng giá trị truyền thống Việt Nam dù ở bất cứ đâu.
Song, điều này không thể xoa dịu dư luận bởi người lan truyền loạt tranh vẽ nhạy cảm này là Phạm Như Phương từng biết đến với vai trò vận động viên quốc gia, đã tham gia rất nhiều giải đấu trong nước, quốc tế và tự hào khoác lên mình lá cờ Tổ Quốc.
Viêc chia sẻ loạt ảnh không tôn trọng quốc kỳ với thái độ "hồn nhiên" là điều không thể chấp nhận. Trường hợp của Phạm Như Phương tiếp tục là lời cảnh báo rất rõ ràng về trách nhiệm của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng khi ứng xử trên mạng xã hội và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Cách phân biệt sản phẩm Lego thật và giả
LEGO là thương hiệu đồ chơi lắp ráp nổi tiếng trên toàn thế giới và được mọi người đón nhận nồng nhiệt nhờ những giá trị mà các sản phẩm đồ chơi này đem tới bao gồm sự giải trí và tính giáo dục cao. Tuy nhiên, người chơi LEGO luôn trăn trở việc mua nhầm các sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng. Cùng Trạm thị tin trường số ra ngày 12/6 điểm lại những đặc điểm nhận diện hàng thật - hàng giả.
Điểm nhận diện hàng Lego chính hãng đầu tiên là logo thương hiệu trên vỏ hộp. Logo Lego chính hãng được in rõ ràng, sắc nét trên góc trái của vỏ hộp, ký hiệu ® - Registered với hàm sản phẩm này đã đăng ký bảo hộ với các cơ quan nhà nước.
Logo Lego tại các sản phẩm giả, kém chất lượng thường sử dụng form mẫu của hàng chính hãng, nhưng nội dung chữ sẽ là LEBO, hoặc một tên khác.
Đặc điểm nhận diện thứ 2: Chữ in Lego trên từng chi tiết sản phẩm được in dập nổi tỉ mỉ, sắc nét trên từng viên gạch, mảnh ghép. Khi lật mặt sau của từng viên gạch bạn cũng sẽ thấy được những chữ LEGO® Group và mã của viên gạch cũng được in dập nổi rất nhỏ và sắc nét.
Đặc điểm nhận diện thứ 3 là về vỏ hộp: vỏ hộp của sản phẩm Lego chính hãng được in ấn rõ ràng, sắc nét với đầy đủ các thông tin về nơi sản xuất, mã sản phẩm, độ tuổi, số chi tiết,... bằng tiếng Anh. Qua đó giúp bạn dễ dàng nhận biết và phân biệt được hàng thật giả chỉ qua vỏ hộp bên ngoài của sản phẩm.
Đặc điểm nhận diện thứ tư là về giá cả: hầu hết các sản phẩm giả thương hiệu Lego thường có giá thành rất rẻ. Hiện tại, trên thị trường Việt Nam, Tập đoàn Lego mới lựa chọn duy nhất hệ thống MyKingdom để phân phối các sản phẩm của Lego, do vậy, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua hàng hóa ở những địa điểm trôi nổi, có nguồn gốc hàng hóa không rõ ràng.
Hàng giả, hàng nhái tràn lan ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh
Thời gian qua, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp.
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại Trung tâm mua sắm Saigon Square (phường Bến Thành, quận
1 - nơi được coi là thiên đường đồ fake giữa trung tâm Thành phố
Tại đây, các loại mắt kính in thương hiệu mắt kính Dior, Chanel, Gucci, RayBan… được bán với với giá chỉ 200 nghìn đồng. Các tiểu thương tại đây thừa nhận, số hàng trên đều là hàng fake, hàng nhái nên mới có giá rẻ như vậy.
Tương tự, tại sạp bán đồng hồ mang thương hiệu Omega, Citizen, Rolex, Orient… đều đồng giá 1 triệu đồng, trong khi hàng chính hãng có giá hàng chục triệu đến hàng trăm triệu.
Ghé vào một cửa hàng quần áo, giày dép, phóng viên Báo Công Thương nhận thấy, nhiều sản phẩm mang thương hiệu Adidas, Nike, Tomy, Boss,… nhưng có giá một vài trăm nghìn đồng.
Tương tự như Saigon Square, tại Chợ Bến Thành (phường Bến Nghé, quận 1) cũng được coi là một nơi bày bán nhiều mặt hàng thời trang, trang sức, mắt kính, ví da… nhái thương hiệu với giá rẻ bất ngờ.
Tại đây, một số loại ví da dành cho nam giới mang thương hiệu Prada, Thom Browne, Gucci, Louis Vuitton – LV, Tomy… có giá từ vài trăm đến 1 triệu đồng. Thậm chí, tiểu thương còn cho biết, hàng nhái cũng phân làm nhiều loại, bán với giá khác nhau. Theo quan sát, phần lớn các sản phẩm mang thương hiệu lớn được bày bán tại đây đều không có tem phụ bằng tiếng Việt theo quy định, có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Được biết, lực lượng chức năng đã nhiều lần vào cuộc truy quét, phát hiện nhiều loại hàng nhái, hàng hóa vi phạm tại 2 địa điểm này. Tuy nhiên, sau những đợt kiểm tra của lực lượng chức năng, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái ở đây lại đâu vào đấy.
Căn cứ nào để quản lý thị trường được kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh
Một bạn đọc có câu hỏi gửi đến chuyên mục Trạm tin thị trường với nội dung về căn cứ để lực lượng quản lý thị trường được kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh?
Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, để có thể kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh, lực lượng quản lý thị trường cần có thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật. Căn cứ điều này được quy định tại Điều 8 Thông tư 27/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Theo đó, thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật gồm:
a) Thông tin từ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cụ thể;
b) Thông tin từ báo cáo của công chức Quản lý thị trường được giao thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quy định tại các điều 34, 35 và 36 của Thông tư này hoặc từ báo cáo của công chức Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính;
c) Thông tin từ văn bản của cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường các cấp chuyển giao thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;
d) Thông tin từ văn bản yêu cầu, đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
đ) Thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng về vi phạm pháp luật, dấu hiệu vi phạm pháp luật;
e) Thông tin từ tin báo, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng hoặc của tổ chức, cá nhân khác về vi phạm pháp luật, dấu hiệu vi phạm pháp luật. Như vậy, khi nhận được những thông tin nêu trên thì lực lượng được quyền kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm hành chính.
Hưng Yên: Phát hiện kho thuốc lá điện tử nhập lậu lớn nhất từ trước đến nay
Theo nguồn tin riêng của Báo Công Thương, ngày 6/6 Quản lý thị trường Hưng Yên đã phối hợp với lực lượng Công an tỉnh và Cục Hải quan thành phố Hải Phòng khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính đối với kho hàng hóa tại Thôn Lam Sơn, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ Yên do ông Trần Xuân Hà, sinh ngày 31/3/1980, địa chỉ thường trú: Khu 1, Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh làm chủ.
Tại thời điểm khám, Đoàn kiểm tra phát hiện trong kho hàng của ông Hà đang chứa trữ tổng cộng 163.410 sản phẩm thiết bị thuốc lá điện tử các loại và 9.913 kg phụ kiện thuốc lá điện tử các loại.
Tại thời điểm khám, ông Trần Xuân Hà không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hay bất cừ tài liệu gì kèm theo để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số lượng hàng hóa trên thuốc lá điện tử các loại.
Theo nhận định sơ bộ ban đầu, toàn bộ số hàng hóa nêu có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thể hiện thông tin bằng chữ nước ngoài (xuất xứ nước ngoài), không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Căn cứ kết quả kiểm tra ban đầu, Đoàn kiểm tra xác định toàn bộ số hàng hóa nêu trên có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi vi phạm.
Trước đó, đầu tháng 10 năm 2023, Quản lý thị trường Hà Nam cũng đã phối hợp với kiểm tra Công ty TNHH khoa học kỹ thuật Vĩnh Phát, địa chỉ: Khu công nghiệp Châu Sơn, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý phát hiện công ty đang thực hiện hoạt động đóng gói và các hoạt động khác làm ra hàng hóa là thuốc lá điện tử các loại. Kiểm đếm thực tế, lực lượng chức năng phát hiện, 108.782 sản phẩm thuốc lá điện tử các loại cùng gần 1,2 tấn vỏ hộp các loại và lượng lớn nguyên phụ liệu đi kèm.
Nghệ An: Xử phạt hành chính 405 triệu đồng đối với 6 cơ sở kinh doanh vàng
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và của Tổng cục QLTT, UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, thời gian qua Cục QLTT tỉnh Nghệ An thường xuyên chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, giám sát các biến động đối với mặt hàng vàng, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm để tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Kết quả, từ ngày 19/4/2024 đến ngày 30/5/2024, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý 6 cơ sở kinh doanh vàng với tổng giá trị thu phạt, hàng hóa vi phạm đạt 405 triệu đồng.
Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng chức năng giám sát thị trường kinh doanh vàng trong tỉnh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Top sản phẩm khiến khách hàng sẵn sàng chi tiền triệu để mua sắm
Ghi nhận của PV Báo Công Thương, trên sàn thương mại điện tử Tiktok các sản phẩm bán chạy hôm nay là lạp xưởng heo cao cấp - sấy dẻo truyền thống loại 1kg, miến dong thái tay sợi to 1kg, hạt mix dinh dưỡng (hạt nội địa trung) loại 0,5kg. Theo đó, lạp xưởng heo cao cấp có giá 128.900 đồng/kg (trợ giá 19%), miến dong thái tay sợi to giá 93.500 đồng/kg (trợ giá 15%); hạt mix dinh dưỡng (nội địa trung) có giá 73.720 đồng/0,5kg (trợ giá 8%).
Các sản phẩm đồ ăn luôn nằm trong top thịnh hành của sàn tiktokshop, đặc biệt, những mặt hàng gắn mác “nội địa Trung” những năm gần đây luôn được người mua “săn lùng” bởi sức hút lớn từ những lời quảng cáo hấp dẫn từ người bán hàng “hàng nội địa sản xuất cho dân họ ăn nên đảm bảo tuyệt đối về chất lượng” và giá thành vô cùng rẻ, bao bì bắt mắt, hương vị thơm ngon. Điều này khiến không ít khách hàng sẵn sàng chi tiền triệu để chi trả cho khoản mua đồ ăn vặt nội địa này.
Dẫu vậy, các sản phẩm “đồ ăn vặt nội địa Trung Quốc” thật và giả vẫn trà trộn tràn lan, rất khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng của hàng hóa, người tiêu dùng cần tỉnh táo, không nên quá tin vào những lời quảng cáo, nên chọn mua hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, tránh tiền mất tật mang.