Tạo bệ phóng cho mặt hàng cà phê đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường FTA, trong đó có EVFTA
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng, gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang là động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam khai thác tiềm năng của các thị trường này. Đặc biệt, cùng với Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA), các hiệp định khác như: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và thúc đẩy xuất khẩu vào nhiều thị trường khác.
Hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành hàng cà phê được xây dựng thành công sẽ góp phần tạo ra chiến lược phát triển ngành hàng bền vững, minh bạch. Ảnh: Trung Thắng |
Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 1,12 triệu tấn cà phê, giá trị đạt 4,37 tỷ USD, giảm 10,5% về khối lượng xuất khẩu, nhưng tăng 39,6% về giá trị. Đây là kết quả của việc tối ưu hóa các ưu đãi thuế quan và sự nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính. Không những vậy, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam không chỉ chú trọng đến việc cải thiện quy trình sản xuất mà còn đầu tư vào việc phát triển các dòng sản phẩm cà phê đặc sản, hữu cơ và hòa tan có giá trị gia tăng cao.
Song trên thực tế, xuất khẩu mặt hàng cà phê dù liên tục ghi nhận mức tăng trưởng cao nhưng chưa có thương hiệu, giá trị thu về cho các doanh nghiệp và người lao động còn khá hạn chế. Sản xuất cà phê tại Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức như ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; khai thác đất quá mức, lạm dụng phân vô cơ, chưa được xử lý triệt để chất thải, thiếu tính bền vững; phần lớn sản xuất chưa phát triển theo hướng chuỗi giá trị.
Chỉ ra nguyên nhân, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, có nhiều nguyên nhân nhưng nổi bật là sự thiếu gắn kết giữa các chủ thể tham gia vào quá trình xuất khẩu và tận dụng FTA. Do đó, để giúp các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, một trong những giải pháp mới và quan trọng được đề xuất đó là xây dựng hệ sinh thái kết nối các chủ thể trong ngành cà phê.
Hệ sinh thái ngành cà phê được xây dựng nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích FTA, xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác và thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Các thành viên khi tham gia tham gia Hệ sinh thái tận dụng FTA sẽ có những lợi ích nhất định.
Người nông dân và doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vay vồn từ các tổ chức tín dụng. Được tiếp cận các biện pháp hỗ trợ như tư vấn về công nghệ, môi trường, các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước… Ngoài ra, người nông dân sẽ được bảo đảm đầu ra theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp trong hệ sinh thái và được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh. Cùng với đó, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ thông tin về thị trường, kết nối khách hàng, hợp đồng…
Còn đối với khối ngân hàng, khi tham gia hệ sinh thái có thể giải ngân nguốn tín dụng hiệu quả, đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong khi vẫn bảo đảm an toàn tài chính. Bên cạng đó, đa dạng khách hàng, thay vì tập trung vào một số nhóm khách hàng trước đây. Tăng cường kết nối, có thể mở rộng việc kết nối với các tổ chức, cơ quan địa phương và trung ương. Được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh ở trong và ngoài nước.
Đáng lưu ý, hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành hàng cà phê được xây dựng thành công sẽ góp phần tạo ra chiến lược phát triển ngành hàng bền vững, minh bạch; từ đó quyết liệt hơn trong công tác điều hành sản xuất để khẳng định vị trí, uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế và tạo ra công cụ, lực đẩy thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, bền vững cho ngành cà phê Việt trong thời gian tới.