Ngân hàng sẵn sàng 'vào cuộc' hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng và thực thi tốt hơn các FTA
Tham gia các Hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi mang tính chiến lược, nhằm nâng cao khả năng hợp tác kinh tế, tháo dỡ những rào cản thuế quan trước đây từng cản trở quá trình giao thương giữa các quốc gia với nhau.
Để thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, không chỉ ngành ngân hàng mà các bộ, ngành liên quan cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cơ hội từ các FTA. |
Mặc dù, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã có những kết quả nhất định, song các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa thị trường này. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, một trong những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay trong quá trình thực thi và tận dụng ưu đãi từ các FTA đó chính là rào cản về vốn.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, vốn đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm các cơ chế cho vay với lãi suất thấp và chương trình hỗ trợ khác. Chẳng hạn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất chỉ khoảng 3, 7%m, đây là một mức rất hấp dẫn. Tuy nhiên, mặc dù có những chính sách ưu đãi như vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.
Bên cạnh vấn đề vốn, các chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn phân tích, nguồn nhân lực để thực thi các FTA trong lĩnh vực ngân hàng cũng là một thách thức. Đây là vấn đề quan trọng cần giải quyết để tuyên truyền cho cán bộ ngân hàng thực thi FTA hiểu biết, hiểu rõ về cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại. Từ sự thiếu hiểu biết về các FTA, do vậy, các doanh nghiệp chưa đủ hiểu về yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, cũng như chất lượng sản phẩm, giá cạnh tranh và các quy định về thuế, khiến họ không thể đáp ứng các yêu cầu từ ngân hàng để vay vốn. Ngoài ra, sự thiếu hụt thông tin về các thị trường mục tiêu cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực giảm lãi suất và hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất chậm, gần như không tăng trưởng, thậm chí giảm nhẹ so với năm trước. Điều này cho thấy, mặc dù ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp, nhưng việc tiếp cận vốn vẫn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, không chỉ ngành ngân hàng mà các bộ, ngành liên quan cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cơ hội từ các FTA. Đặc biệt, cần tăng cường công tác tuyên truyền và đào tạo để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các cơ chế, chính sách, từ đó tận dụng cơ hội xuất khẩu hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mang lại, các FTA cũng đặt ra không ít thách thức cần có giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến trình hội nhập, nhất là với lĩnh vực tài chính của Việt Nam như tăng cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế, gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các tổ chức tài chính Việt Nam, áp lực nâng cao chất lượng và dịch chuyển nguồn nhân lực tài chính - ngân hàng sang các tổ chức nước ngoài và khu vực.
Vì vậy, nhằm thúc đẩy tiến hành hội nhập tài chính khi tham gia các FTA thế hệ mới của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế, các tổ chức tài chính, các ngân hàng Việt Nam cần phải có đội ngũ nhân lực hiểu về FTA cũng như cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp phải liên kết đào tạo nhân lực, chuyên gia FTA trong lĩnh vực tài chính; đồng thời phải có các chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc để tăng khả năng cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế trong bối cảnh hội nhập.