Các địa phương, ngành hàng “hiến kế” đổi mới công tác truyền thông trên Cổng FTAP
Những năm qua, Việt Nam tăng cường đàm phán, kí kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).
Việc tham gia các FTA thế hệ mới với những cam kết cắt giảm thuế quan xuất nhập khẩu sâu rộng, những ưu đãi về tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư… nhằm mục tiêu mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy cơ hội hợp tác đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp.
fta.gov.vn |
Nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam tận dụng hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, Bộ Công Thương đã triển khai và vận hành Cổng thông tin điện tử quốc gia về Hiệp định Thương mại Tự do (gọi tắt là FTAP - tại địa chỉ fta.gov.vn. Hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để vận hành và nâng cấp Cổng FTAP.
Theo lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại và đa biên, Bộ Công Thương, FTAP tập trung cung cấp công cụ tra cứu trực tuyến thông minh cho cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm đối với cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó, tập trung vào các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư, cũng như các thông tin khác như tình hình thị trường, các quy định về xuất nhập khẩu, phát triển bền vững.
Sau 4 năm đưa vào vận hành, theo đánh giá Cổng FTAP đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy để doanh nghiệp, người dân, địa phương tìm kiếm thông tin để hiểu hơn về các FTA cũng như về các cam kết thuế quan xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Minh chứng, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường có FTA như thị trường EU, Hoa Kỳ, hay Vương Quốc Anh đều tăng trưởng bứt phá qua các năm, kể cả trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu chịu tác động từ đại dịch Covid-19 hay những xung đột địa chính trị...
Tuy nhiên, từ số liệu thống kê mới nhất của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI cho thấy, số lượng doanh nghiệp nắm hiểu về các FTA là tương đối tốt, khoảng trên 80% doanh nghiệp được khảo sát trả lời là có biết, có tận dụng các FTA để mở rộng xuất khẩu. Nhưng số lượng doanh nghiệp hiểu rõ, tận dụng tốt các FTA chỉ mới chiếm khoảng 10%, tăng cao hơn cao nhiều so với những năm trước.
Từ thực tế trên, hiến kế với Bộ Công Thương cũng như các đơn vị liên quan để đổi mới nội dung thông tin, cách thức vận hành cổng FTAP, các hiệp hội, địa phương cùng cho rằng, cần thành lập các tổ chuyên gia tư vấn về FTA. Các chuyên gia này phải xuất phát, đi lên từ chính doanh nghiệp để từ đó tư vấn đề xuất những giải pháp thiết thực, phù hợp, giải đáp được những vướng mắc mà doanh nghiệp cần.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại và đa biên, trong giai đoạn 2022-2025, Cổng FTAP tiếp tục tập trung phân tích, xây dựng và đăng tải bộ dữ liệu trong các FTA mà Việt Nam ký kết, tham gia là thành viên. Các đơn vị vận hành Cổng FTAP tiếp tục tập trung hoàn thiện, nâng cấp và xử lý các vấn đề tồn tại về mặt kỹ thuật, nâng cấp khả năng bảo mật, an ninh hệ thống và cập nhật thông tin, số liệu liên tục với mục tiêu các doanh nghiệp và người dân đều có thể truy cập, tìm kiếm thông tin của tất cả các FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Giai đoạn sau 2025, Cổng FTAP sẽ tiếp tục được nâng cấp, cập nhật và phát triển các tính năng mới để nâng cao chất lượng trải nghiệm người dùng, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến về các FTA và hỗ trợ tận dụng các FTA hiệu quả hơn.