Để ngành nông nghiệp tận dụng CPTPP: Cần sự liên kết chặt hơn giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI
Sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, bên cạnh yếu tố mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược hay cơ hội nhập khẩu đa đạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp... một trong những cơ hội lớn cho Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) là thu hút đầu tư.
Số liệu thống kê cho thấy kể từ khi có hiệu lực, thu hút FDI từ khối các nước CPTPP ngày càng khả quan. Nếu năm 2019, Việt Nam thu hút FDI xấp xỉ 9,5 tỷ USD từ các nước CPTPP, thì đến năm 2022 đạt khoảng 11,5 tỷ USD, tăng 2,6 tỷ USD so với năm 2021. Riêng 9 tháng năm 2023, tổng vốn đăng ký đầu tư từ các thành viên CPTPP đạt hơn 10,23 tỷ USD, trong đó 2 thành viên CPTPP là Singapore và Nhật Bản đã đóng góp 67%.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo việc làm cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, khu vực FDI ngành nông nghiệp đã góp phần tích cực trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.
Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ được khoa học kỹ thuật mới, thay đổi được cách làm truyền thống, nâng cao hiệu quả.
Để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, tận dụng lợi thế từ các FTA, một trong những giải pháp cấp thiết là ưu tiên xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Trung Nguyên |
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá từ các chuyên gia, trong quá trình hội nhập, việc thu hút vốn FDI vào ngành nông nghiệp nói chung còn nhiều hạn chế, chưa phát huy tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam. So với các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp nước ta chiếm tỷ trọng rất thấp và không ổn định. Bên cạnh đó, chất lượng các dự án FDI trong nông nghiệp chưa cao, phần lớn là các dự án quy mô nhỏ. Cơ cấu vốn FDI cũng chưa phù hợp theo định hướng, khi tập trung chủ yếu vào các dự án thu hồi vốn nhanh như: Chế biến nông sản, thực phẩm; các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường… có số lượng rất ít.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ngành nông nghiệp thu hút FDI đạt hiệu quả thấp. Trong đó, đầu tư vào lĩnh này vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro; thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Sản phẩm nông nghiệp thường có tỷ suất lợi nhuận thấp, chậm thu hồi vốn; việc triển khai các thủ tục hành chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư…
Trong thời gian tới, để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, tận dụng lợi thế từ các FTA, một trong những giải pháp cấp thiết là ưu tiên xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển dây chuyền công nghệ, giống, bảo quản, làm sạch nông sản... Qua đó giúp ngành nông nghiệp đa dạng hóa, hoàn thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng, để doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp nước ngoài, cần phải tăng cường đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, và các nhà đầu tư có thể sử dụng lao động tại chỗ và Việt Nam cũng có một nguồn lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó cần phát triển các doanh nghiệp tập đoàn lớn đủ sức bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài.
Suốt thời gian qua, các bộ, ngành của Việt Nam cũng rất nỗ lực vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam ngày càng nâng cao năng lực của mình, đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn của các tập đoàn toàn cầu để gia nhập vào hệ thống và chuỗi cung ứng của họ. Nhiều chính sách đưa ra đã và đang giúp doanh nghiệp nông nghiệp trong nước hội nhập tốt hơn với doanh nghiệp toàn cầu.