Gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI - Tăng hiệu quả tận dụng các FTA
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao, toàn diện, ngang với những thị trường lớn như Liên minh châu Âu, Canada, Mexico, Nhật Bản…
Để khai thác triệt để cơ hội thu hút FDI, hoạt động xúc tiến đầu tư cần chuyển trọng tâm sang tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn FDI lớn. |
Việc thực thi có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực.
Tuy nhiên, mức độ tận dụng hiệp định và tỷ trọng hàng hóa Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp tận dụng được các FTA này là các doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực linh kiện điện tử, giày dép, dệt may, máy tính,…, trong khi những doanh nghiệp liên quan đến nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam nhưng mức độ tận dụng chưa nhiều.
Đặc biệt, với những thị trường Việt Nam thúc đẩy thực thi FTA như CPTPP, tỷ trọng tận dụng thị trường còn rất hạn chế. Không chỉ CPTPP, những FTA thế hệ mới khác như EVFTA hay UKVFTA tỷ trọng tận dụng chỉ dưới 10%. Với những thị trường như CPTPP và Mexico và Canada, tỷ trọng này còn thấp hơn (dưới 2%) và tỷ lệ tận dụng ưu đãi với CPTPP năm 2022 chỉ khoảng gần 5%. Vì thế dư địa và cơ hội để DN tận dụng tại các thị trường FTA này còn rất lớn,
Thực tế thời gian qua, đã có những doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội xuất khẩu sang các thị trường CPTPP, EVFTA, UKVFTA từ đó tham gia được một phần nào vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng rất khó đáp ứng được rất nhiều những tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường FTA, nhất là khi thị trường này dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật, khiến các doanh nghiệp phải tập trung tăng cường năng lực mới có thể đáp ứng.
Đưa ra nguyên nhân, nhiều chuyên gia cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm hiện nay thường xuất thô, rất ít chế biến sâu. Ngoài ra, doanh nghiệp không chú trọng vào những vấn đề xây dựng thương hiệu hay bảo hộ những quyền sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài. Do đó, việc kết hợp với các doanh nghiệp FDI để hình thành nên một chuỗi cung ứng sẽ giúp doanh nghiệp trong nước lớn mạnh nhanh hơn và rút ngắn thời gian hội nhập quốc tế tốt hơn.
Để có thể gia nhập vào chuỗi FDI hay sẵn sàng trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp đối tác nước ngoài, bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải có rất nhiều sự thay đổi để có thể hấp thụ được những cơ hội trong các FTA. Sự thay đổi của doanh nghiệp ở đây phải là sự thay đổi của cả hai chiều: Doanh nghiệp Việt Nam và Doanh nghiệp FDI. Bản thân Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi nhanh để đáp ứng, nhưng cũng cần sự dìu dắt từ cả doanh nghiệp FDI, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ và các sở, ban ngành. Ngoài những cam kết hợp tác thu hút đầu tư từ phía Chính phủ, bản thân các DN Việt Nam cũng cần tích cực nâng cao năng lực từ đó tạo ra cơ hội cho mình.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung giải pháp xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA. Cùng đó, tăng cường kết nối để tận dụng FTA tốt hơn và cũng xây dựng văn hóa đạo đức kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, để khai thác triệt để cơ hội thu hút FDI, hoạt động xúc tiến đầu tư cần chuyển trọng tâm sang tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn FDI lớn. Điều đó góp phần tận dụng các hiệp định tự do thế hệ mới và cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, tận dụng cơ hội từ thị trường còn nhiều tiềm năng CPTPP.