Xuất khẩu sang Anh: Giải bài toán thương hiệu để nâng cao thị phần
Đi vào thực thi từ đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cả ở Việt Nam và Vương quốc Anh, tuy nhiên Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã nhanh chóng cho thấy hiệu quả tích cực đối với thương mại song phương. Nếu tính trong cả 3 năm thực thi, tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng trung bình khoảng 8,9%/năm, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình khoảng 9,4%/năm.
Đáng chú ý, hiện nay, Hiệp định UKVFTA đã trở thành cầu nối đưa hàng hoá thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh, giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Đặc biệt, theo ghi nhận, sự hiện diện các thương hiệu hàng hoá Việt Nam khác nhau theo nhóm mặt hàng, đạt từ 12 - 19%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, da giày, các loại cơ khí, thủy sản, trong đó hưởng lợi nhiều là dệt may, da giày, nông - thuỷ sản.
Với lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định UKVFTA, hàng hóa Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng lại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh.
Với lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định UKVFTA, hàng hóa Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng lại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh. Ảnh minh họa |
Mặc dù hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Anh đang tăng trưởng khả quan, tuy nhiên, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Anh vẫn chiếm rất ít, chỉ khoảng gần 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh. Chỉ ra nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, đó là do chúng ta chưa có doanh nghiệp sản xuất uy tín để tham gia vào thị trường khó tính, trong khi chi phí logistics lớn, tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, quy hoạch. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hoá còn chưa cao, hàng hoá chủ yếu xuất khẩu thô, hoặc doanh nghiệp chủ yếu làm gia công. Ngoài ra, nguyên liệu sản xuất ngành hàng không ổn định, công nghệ chế biến sâu chỉ đạt 13-18%.
Trong bối cảnh tham gia các FTA đang là xu hướng chung trên thế giới và nhiều quốc gia lựa chọn để mở rộng hợp tác kinh tế, các doanh nghiệp trong nước lại phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm, thương hiệu của nhiều quốc gia khác trên “sân chơi” toàn cầu. Vì vậy, cần thiết phải có những chiến lược xúc tiến thương mại, liên kết, tiếp cận thị trường hiệu quả… từ đó nâng cao giá trị thương hiệu Việt, gia tăng thị phần hàng Việt Nam, tận dụng tối đa lợi thế của UKVFTA.
Trong tương lai, Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ cùng là thành viên của CPTPP, mở ra không gian phát triển mới, đặc biệt là trong một số lĩnh vực, thương mại song phương Việt - Anh có nhiều cơ hội để sớm chinh phục mốc 10 tỷ USD. Những cam kết của Anh khi gia nhập CPTPP cũng dự báo sẽ mang lại thêm nhiều lợi thế cho hàng hóa Việt Nam gia tăng hiện diện và nâng cao vị thế tại thị trường Anh.
Để xây dựng, phát triển thương hiệu và gia tăng thị phần tại thị trường Anh, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, thay đổi không ngừng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường; quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, là chìa khoá quan trọng để xây dựng chỗ đứng cho hàng Việt tại Anh. Thường xuyên đổi mới sáng tạo, phát triên sản phẩm theo yêu cầu thị trường và nổi trội so với các sản phẩm cùng loại tại Anh.
Ngoài ra, việc gia tăng tìm kiếm các liên kết xây dựng thương hiệu qua kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất, nhà phân phối trong và ngoài nước thu hút đầu tư để sản xuất, xuất khẩu hàng hoá chất lượng, phân phối tại Anh cũng là vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.
Quan trọng nhất đó là nhận thức của doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu ở nước ngoài. Phải quyết tâm xây dựng thương hiệu thành công từ đó dành nguồn lực phù hợp. Đặc biệt, cần coi chi phí cho hoạt động này là một khoản đầu tư trung và dài hạn giúp nâng cao giá trị cạnh tranh, định vị thương hiệu của doanh nghiệp.