Tạo hệ sinh thái, tăng cường kết nối để ngành dệt may tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đã mở ra nhiều cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó dệt may là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất.
Theo cam kết trong EVFTA, 100% hàng dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tạo động lực lớn cho việc mở rộng thị phần tại thị trường EU.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, từ khi EVFTA có hiệu lực, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu dệt may của EU từ ngoài khối đã tăng từ 3,3% (năm 2020) lên 4,3% (năm 2023). Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 6 trong danh sách các nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất vào EU (năm 2023), sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Pakistan.
Việc xây dựng hệ sinh thái phải dựa trên tư duy thực tế, cung cấp thông tin, tạo động lực cho sản xuất và mang lại lợi ích dù to hay nhỏ cho người nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trung ương, địa phương. Ảnh: Nguyễn Vĩnh |
Mặc dù đã có những bước tiến khả quan, nhưng thị phần của dệt may Việt Nam tại EU vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Với quy mô nhập khẩu dệt may từ các nước thứ 3 lên tới 115 tỷ EUR (năm 2023), trong đó Việt Nam chỉ chiếm 4,1% thị phần, rõ ràng dư địa để tăng trưởng và mở rộng xuất khẩu dệt may vào thị trường này còn rất lớn.
Theo nhận định đánh giá từ các chuyên gia, nguyên nhân là do doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa từ EVFTA mang lại. Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp có thể tận dụng được tối đa lợi thế từ các FTA, trong đó có EVFTA và khắc phục khó khăn, Bộ Công Thương đã đề ra hàng loạt giải pháp. Đó là, tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối khách hàng cho doanh nghiệp, bằng mọi biện pháp để có thể mang lại đơn hàng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, xây dựng hệ sinh thái cho ngành, kết nối tất cả chủ thể có tham gia vào quá trình tận dụng FTA, từ người nông dân cho đến người sản xuất, nhà xuất khẩu, hiệp hội, cơ quan quản lý, công ty tư vấn, logistics, nhà nhập khẩu,...
Khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu dệt may, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, cùng với những nỗ lực của các Bộ, ngành địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm dệt may, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc xây dựng hệ sinh thái các ngành hàng, trong đó ngành dệt may để giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích của FTA; cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác.
Việc xây dựng hệ sinh thái phải dựa trên tư duy thực tế, cung cấp thông tin, tạo động lực cho sản xuất và mang lại lợi ích dù to hay nhỏ cho người nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trung ương, địa phương... Hệ sinh thái phải là mô hình mà tất cả chủ thể tham gia đều có lợi; người dân, doanh nghiệp chỉ tham gia khi thấy lợi ích rõ ràng. Khi thấy lợi ích, giá trị từ hệ sinh thái, tự thân người dân, doanh nghiệp sẽ chủ động tham gia từ đó xây dựng thị trường bền vững, kết nối chặt chẽ giữa chủ thể ở khối công (quan hệ cơ quan quản lý, nhà nước) và tư (doanh nghiệp và người dân).
Ngoài ra, khi tham gia vào hệ sinh thái, người dân, doanh nghiệp sẽ sản xuất ra những sản phẩm thị trường xuất khẩu cần, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Khi xây dựng mô hình này, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần thực hiện các thử nghiệm và có cơ chế chính sách khuyến khích để thu hút doanh nghiệp, người dân tham gia. Vì vậy, cần có những doanh nghiệp đi đầu làm gương lan tỏa mô hình đến nhiều doanh nghiệp khác góp phần vào thành công của chính sách và hệ sinh thái mà Bộ Công Thương đang xây dựng.
Theo Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng hệ sinh thái phải có đầy đủ các cơ quan, ban ngành, và tất cả các chủ thể liên quan. Bởi, nếu chỉ có Bộ Công Thương sẽ không thể làm được. Do đó, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình, tọa đàm để lắng nghe, tham khảo và tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành, tỉnh thành, hiệp hội doanh nghiệp và người nông dân để từ đó tổng hợp được một bức tranh toàn cảnh, đa chiều. Đặc biệt, tập hợp đầy đủ nhất những thách thức và thuận lợi để từ đó có giải pháp giải quyết dứt điểm rào cản và xây dựng mô hình hệ sinh thái tận dụng các FTA thành công.