Giải pháp nào giúp doanh nghiệp ngành cà phê tận dụng tốt các hiệp định thương mại tư do FTA
Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó có 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán. Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động xuất khẩu. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tận dụng hiệu quả các FTA, tăng trưởng doanh thu từ xuất khẩu.
Riêng đối với ngành cà phê, mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì và nâng cao vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. Trên thực tế, các doanh nghiệp trong ngành cà phê vẫn còn chưa khai thác tốt lợi thế từ các FTA, nhất là CPTPP, trong khi dư địa còn rất lớn.
Ông NGUYỄN CÔNG LUÂN, Phó Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu - Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh
“Chúng ta đứng trước những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới như xung đột chính trị, bảo hộ sản xuất trong nước ngày càng gia tăng đã đặt ra những thách thức đối với sự phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh của ngành cà phê chúng ta. Đồng thời tất cả sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu, khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ cà phê trên thế giới chịu ảnh hưởng trực tiếp đến ngành cà phê của chúng ta.”
Hiện nay, hệ thống sản xuất và chế biến cà phê của Việt Nam đang chuyển đổi chậm hơn so với nhu cầu thị trường. Các thị trường nhập khẩu đang áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng khắt khe, gây khó khăn cho các sản phẩm cà phê Việt Nam. Những yêu cầu này không nhằm mục đích bảo hộ thị trường mà nhằm thúc đẩy các sản phẩm có chất lượng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường nhập khẩu. Trước thực trạng đó, các chuyên gia đã kiến nghị nhiều giải pháp.
Bà NGUYỄN THÙY LINH, Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
“Nếu chúng ta không chuẩn bị và không đầu tư vào cơ sở hạ tầng, không đầu tư khoa học công nghệ, áp dụng khoa học công nghệ hỗ trợ trong toàn bộ khâu từ hái, canh tác, hái lượm, chọn cà phê, sản xuất và chế biến thì chúng ta sẽ thua trong cuộc chơi này. Hoặc là chúng ta cũng phải thúc đẩy các cái chiến lược phát triển, xây dựng thương hiệu của chúng ta. Các sản phẩm của chúng ta và thúc đẩy việc nó cải thiện cái chất lượng của các chiến lược marketing, của sản phẩm cà phê. Phải gắn nó với thị trường ngách và thúc đẩy hợp tác, liên kết chuỗi, đây là một phần rất quan trọng.”
Bên cạnh đó, ngành cà phê Việt Nam cũng cần tập trung vào các thị trường quan trọng, phân khúc cao cấp hơn để tối đa hóa lợi nhuận. Thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu số lượng lớn, cần chú trọng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê.
Bà NGUYỄN HOÀNG LAN, Công ty TNHH Fes Việt Nam
“Thị trường xuất khẩu doanh nghiệp tự tìm kiếm, mình chưa thấy các cơ quan chức năng có hỗ trợ về những cái này như tổ chức các buổi liên kết giữa các doanh nghiệp và các nhà xuất khẩu thị trường châu Âu, thị trường lớn mình có thể đầu tư vào.”
Theo Bộ Công Thương, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được hết hiệu quả về các ưu đãi, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Chính phủ đã ký kết. Để giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội này, một trong những giải pháp mới và quan trọng được đề xuất đó là xây dựng "hệ sinh thái" kết nối các chủ thể trong ngành cà phê.
Ông NGÔ CHUNG KHANH, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.
“Tại sao nó chưa đạt được hiệu quả như chúng ta mong muốn. Bởi vì nó thiếu đi bộ phận vận hành, nó thiếu đi cái bộ phận giúp chuyển hóa những ý tưởng, kế hoạch, chiến lược vào cuộc sống. Trong hệ sinh thái này chúng tôi đề xuất ra cấu phần doanh nghiệp nó giống y hệt một công ty như bao công ty khác, có hội đồng quản trị, ban quản lý và giám đốc, có các phòng ban và cấu phần quản lý này sẽ giúp vận hành hệ sinh thái.
Mục tiêu trước hết là giúp người nông dân, doanh nghiệp của ngành cà phê tận dụng tối ưu các FTA, giải quyết nhũng vấn đề đang gặp phải trong quá trình tận dụng FTA. Thứ 2 là xây dựng một cái văn hóa kết nối, văn hóa phối hợp.”
Ông HOÀNG TRỌNG THỦY, chuyên gia nông nghiệp.
“Những người trồng cà phê trở thành những nông dân chuyên nghiệp và đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế trong nông nghiệp. Như vậy là nông dân, tổ chức chính trị của nông dân, tổ chức kinh tế của nông dân cho đến địa phương, nếu như được tiếp cận cái hệ sinh thái này tôi nghĩ là nó sẽ tạo ra diễn biến tương đối tốt.”
Các doanh nghiệp khi tham gia Hệ sinh thái tận dụng FTA không chỉ được hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng trong hệ sinh thái, mà còn được hỗ trợ tư vấn về công nghệ, môi trường, các biện pháp hỗ trợ của nhà nước cũng như tiếp cận thông tin về thị trường, kết nối khách hàng và được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh.