Định hướng xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường Australia
Kể từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết và có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tốt Hiệp định này, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu vào các nước nằm trong Hiệp định có sự tăng trưởng mạnh. Trong đó có những thị trường có sự tăng trưởng lên đến hàng trăm %, đặc biệt là những thị trường chưa khai thác trước đây và những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông lâm thuỷ sản, điện tử...
Trong CPTPP, Australia là đối tác có nhiều FTA với Việt Nam bao gồm Hiệp định FTA giữa ASEAN và Australia và New Zealand (AANZFTA- An zét FTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định CPTPP. Đây là điều kiện rất thuận lợi để hàng hóa Việt Nam tăng cường xuất khẩu và có chỗ đứng vững chắc.
Xây dựng thương hiệu giúp tận dụng tốt hơn những cơ hội và giá trị do các Hiệp định thương mại tự do mang lại, trong đó có Hiệp định CPTPP để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Australia. Ảnh: Thái Anh |
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 9 tháng năm 2024 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Australia đạt 10,84 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2023; trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Australia đạt 5,03 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ.
Dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, nhưng hàng hóa gắn thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài.
Chỉ ra nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, đó là do các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa chú trọng, cũng như chưa hợp lực để xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm chủ lực cũng như thương hiệu doanh nghiệp.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, Australia là thị trường có tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như là điều kiện sinh học, thậm chí thị trường này còn có tiêu chuẩn cao hơn cả Liên minh châu Âu hay Hoa Kỳ, do đó, để “hòa mình” vào dòng chảy hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần xác định việc xây dựng thương hiệu phải là một trong những ưu tiên song song với việc gia tăng số lượng giá trị hàng hoá dự kiến xuất khẩu vào một thị trường.
Hay nói cách khác, để xây dựng thương hiệu tại thị trường Australia, doanh nghiệp không nên cứng nhắc mà nên xác định đi bằng cả hai chân: vừa sản xuất theo đơn hàng, thương hiệu của đối tác/nhà nhập khẩu và vừa xây dựng thương hiệu riêng của mình. Bởi các đơn hàng mang tính chất gia công sẽ giúp doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động…; nhưng về dài hạn cần xây dựng một thương hiệu riêng để gia tăng giá trị cho sản phẩm, uy tín cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.
Xây dựng thương hiệu giúp tận dụng tốt hơn những cơ hội và giá trị do các Hiệp định thương mại tự do mang lại, trong đó có Hiệp định CPTPP để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Australia. Tuy nhiên không có con đường giống nhau cho tất cả mọi doanh nghiệp và ngành hàng trong câu chuyện xây dựng thương hiệu riêng.
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, đối với các doanh nghiệp phát triển những dòng sản phẩm có tính sáng tạo cao, có tính riêng, tính mới như ngành hàng thực phẩm chế biến, hay lĩnh vực dịch vụ như dịch vụ xây dựng, dịch vụ nhượng quyền thương mại, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin… nên xây dựng thương hiệu riêng một cách bài bản. Các ngành công nghiệp có thế mạnh về công nghệ sản xuất, chủ động nguồn nguyên vật liệu như hàng may mặc thời trang, giày dép, túi xách… nên mạnh dạn đầu tư phát triển thương hiệu riêng, nhằm khai thác những phân khúc thị trường thay đổi nhanh, thị hiếu tiêu dùng còn rất nhiều tiềm năng và có biên độ lợi nhuận cao.
Điều quan trọng trong câu chuyện phát triển thương hiệu riêng là “buôn có bạn bán có phường”, các doanh nghiệp cần đi chung với nhau và đồng hành với các hiệp hội ngành hàng để cùng xây dựng chiến lược phát triển thị trường theo từng giai đoạn.