Cà phê Việt Nam 'đạt chuẩn' EUDR, thị trường vẫn hot dù bị EU tạm hoãn
Luật chống phá rừng của EU (EUDR) đòi hỏi những mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu chủ chốt (cà phê, ca cao, dầu cọ, đậu nành, gia súc, cao su và gỗ) không được sản xuất trên đất rừng bị phá kể từ sau năm 2020 đã có hiệu lực kể từ ngày 29/6/2023 và các điều khoản của quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 30/12/2024. Tuy nhiên, vừa qua, Hội đồng EU đã nhất trí về việc hoãn ngày áp dụng quy định này thêm một năm.
Như vậy các nước, trong đó có Việt Nam có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn cho việc triển khai thực hiện Quy định EUDR. Tại các tỉnh Tây Nguyên, ngành hàng sản xuất, xuất khẩu cà phê đã và đang có những bước đi để đáp ứng mọi quy định khắt khe của EUDR, đặc biệt là vấn đề sản xuất có trách nhiệm với môi trường.
Doanh nghiệp cà phê Việt Nam tiếp tục tập trung triển khai, thực hiện EUDR trong thời gian tới, mà không để gián đoạn quá trình này |
EU là thị trường tiêu thụ hơn 40% sản lượng cà phê của Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta, quy định sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vào thị trường này bắt buộc không được trồng trên đất phá rừng hoặc làm suy thoái rừng đang tạo thách thức nhưng cũng là động lực mới cho chiến lược phát triển ngành hàng cà phê một cách bền vững.
Người tiêu dùng châu Âu nói riêng, thế giới nói chung ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đạo luật chống phá rừng của EU có thể là đòn bẩy thúc đẩy ngành cà phê ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều nơi nông dân có kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, lạm dụng phân bón hóa học làm suy thoái hệ sinh thái và xâm canh cà phê trên đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra, do vậy, quy định khắt khe của EU vừa là thách thức, và cũng là cơ hội để chúng ta càng nỗ lực hơn trong việc minh bạch từ sản xuất đến tiêu thụ, mà mấu chốt đầu tiên là phải nâng cao nhận thức cho nông dân từ khâu sản xuất.
Nhiều hộ nông dân tỉnh Đắk Nông đã và đang được tập huấn, bổ sung kiến thức về sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện năng suất, chất lượng hạt cà phê, cũng như áp dụng các thực hành canh tác bền vững, cải thiện chất lượng đất và bảo vệ sức khỏe chính người sản xuất.
Hiệp hội Cà phê-Cacao Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp trong ngành đã có sự chuẩn bị tốt để đáp ứng. Một số doanh nghiệp đầu tàu trong ngành như Intimex Group, Vĩnh Hiệp Gia Lai, 2-9 Đắk Lắk, Cát Quế… cũng đang vừa làm vừa nghe ngóng. Đã có một số đơn hàng đi theo chứng nhận EUDR và các doanh nghiệp Việt Nam đã làm kê khai theo các nội dung mà các nhà rang xay EU yêu cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong quá trình thực thi còn khó khăn. Bản đồ EUDR để áp định vị vùng trồng chưa được đồng nhất và thống nhất với các quy định chung trước đây cũng như quy định riêng của từng hãng thu mua cà phê.
Việc chưa có bản đồ định vị vùng trồng gây ra nhiều rủi ro cho người sản xuất, doanh nghiệp trồng cà phê. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, loại đất trồng của ta hiện có tính rủi ro cao là diện tích đất xen kẹt, bìa rừng. Nếu doanh nghiệp, người nông dân không biết mà canh tác tại đó thì rất nguy hiểm, sẽ là “con sâu bỏ dầu nồi canh”.
Tại Gia Lai, cách đây vài năm, các doanh nghiệp cao su, cà phê của tỉnh đã xây dựng các vùng liên kết nguyên liệu. Hiện tỉnh đã có 60.000 ha cà phê đạt chuẩn. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc và thực hiện các chứng nhận EUDR khiến chi phí xuất khẩu sang EU gia tăng, cũng có thể gây rủi ro cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trên 60.000 ha cà phê của tỉnh đã có chứng nhận, nhưng số còn lại các hộ nông dân manh mún, nhỏ lẻ, dưới 1ha/hộ. Việc liên kết các hộ lại với nhau khó khăn do khoảng cách xa. Chuỗi cung ứng của các ngành hàng còn dài và phức tạp, nhiều khâu trung gian. Việc sản xuất quy mô nhỏ nông hộ dẫn tới khả năng đầu tư công nghệ sản xuất đạt chuẩn châu Âu cũng kém do chi phí cao.
Trước những lo lắng kể trên của các doanh nghiệp, địa phương trồng và xuất khẩu cà phê, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, trong những cuộc gặp gỡ gần đây, nhiều nhà thương mại cà phê hàng đầu châu Âu, nhận định, EUDR dù có tạm hoãn thì sớm muộn gì quy định này cũng sẽ được thực thi ở EU. Do đó, họ vẫn chấp nhận tiếp tục thực hiện các hợp đồng mua cà phê EUDR đã ký kết với các doanh nghiệp Việt Nam và đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục cung ứng cà phê EUDR cho những hợp đồng này.
Lãnh đạo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp cà phê Việt Nam tiếp tục tập trung triển khai, thực hiện EUDR trong thời gian tới, mà không để gián đoạn quá trình này. Đây là cách để ngành cà phê Việt Nam luôn sẵn sàng đáp ứng được ngay EUDR vào bất cứ thời điểm nào mà quy định này chính thức được EU áp dụng.