Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 02/12/2023 19:31
Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 18/11/2023 gồm các thông tin thị trường hàng hoá, xuất nhập khẩu đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Nhiệt điện, thủy điện phải đảm bảo cấp điện đến năm 2024; Thúc đẩy sự bền vững trong phát triển năng lượng; Quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió; Khởi động dự án tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp lớn; Ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia.
Nhiệt điện, thủy điện phải đảm bảo cấp điện đến năm 2024
![]() |
Các giải pháp vận hành nhà máy nhiệt điện than và nguồn thủy điện để đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm |
Bộ Công Thương vừa có văn bản chỉ đạo các Tập đoàn, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện thực hiện các giải pháp đảm bảo điện cuối năm 2023 và năm 2024.
Thực hiện Thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thường trực Chính phủ liên quanđến các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản 8050/BCT-ĐTĐL gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than về việc thực hiện các giải pháp vận hành nhà máy nhiệt điện than và nguồn thủy điện để đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
Theo đó, về nguồn thủy điện, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp về nguồn thủy điện.
Để vận hành các nhà máy nhiệt điện than, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Tập đoàn và các đơn vị phát điện chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện than thuộc phạm vi quản lý thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng vận hành tối đa công suất khả dụng của tổ máy khi có nhu cầu huy động của hệ thống điện Quốc gia các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, đặc biệt vào thời gian cao điểm mùa khô.
Bộ Công Thương đặc biệt yêu cầu các Tập đoàn, chủ đầu tư thực hiện nghiêm các Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương trong thời gian qua về việc chuẩn bị nhiên liệu than đảm bảo cho sản xuất điện cuối năm 2023 và năm 2024.
Thúc đẩy sự bền vững trong phát triển năng lượng
![]() |
Hội thảo về các chủ đề nóng như: phát triển năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưới điện thông minh |
Sau 3 ngày diễn ra, Hội thảo khoa học quốc tế về Môi trường và Kỹ thuật điện - Châu Á 2023 đã thu hút hơn 200 báo cáo chuyên đề cùng những chia sẻ, trao đổi từ nghiên cứu đến ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng. Những nội dung này góp phần xây dựng ngành năng lượng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu ngày một xanh hơn, an toàn hơn.
Từ ngày 13 đến ngày 15/11, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế về Môi trường và Kỹ thuật điện - Châu Á 2023 đã diễn ra và thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, nhà sản xuất trong lĩnh vực năng lượng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Hội thảo đã ghi nhận hơn 200 bài nghiên cứu, tham luận; trong đó có 153 bài viết được trao đổi trực tiếp tại Hội thảo về các chủ đề nóng như: phát triển năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưới điện thông minh; vấn đề nghiên cứu về điện tử công suất, lưới điện, vật liệu...
Các chuyên gia cho rằng, những nội dung nghiên cứu này sẽ góp phần xây dựng ngành năng lượng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu ngày một xanh hơn, an toàn hơn. Và đây cũng là nguồn thông tin quý để các cơ quan quản lý tham khảo trong hoạch định chính sách đến định hướng cho nghiên cứu khoa học và đào tạo, đóng góp lớn vào quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.
Quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió
![]() |
Quy định khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 12 năm 2023 |
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BCT quy định khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 12 năm 2023, áp dụng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai đầu tư các nhà máy điện mặt trời; điện gió.
Thông tư được áp dụng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai đầu tư các nhà máy điện mặt trời; điện gió; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Không áp dụng đối với nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 03 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió có hợp đồng mua bán điện ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam với giá điện còn hiệu lực.
Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện hằng năm cho nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi, nhà máy điện gió trong đất liền, nhà máy điện gió trên biển, nhà máy điện gió ngoài khơi; Trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện hằng năm.
Khởi động dự án tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp lớn
Ban Quản lý các dự án hỗ trợ kỹ thuật lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (gọi tắt là dự án IEEP).
Dự án IEEP là một hợp phần thuộc chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam - EU do Liên minh Châu Âu tài trợ. Mục tiêu tổng quát của dự án là thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu thị trường và ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp để đạt được kết quả sử dụng năng lượng tốt hơn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải các-bon cũng như nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp Việt Nam.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện Dự án IEEP thể hiện nỗ lực của Bộ Công Thương với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc để hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 và tối ưu hóa các hệ thống sử dụng năng lượng chính cũng như tăng cường nguồn nhân lực về kỹ thuật và tài chính để thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống một cách rộng khắp trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.
Ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia
Sau 4 năm triển khai thực hiện, mới đây, Bộ Công Thương đã tiến hành tổng kết đánh giá việc thi hành Thông tư số 44/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia vàban hành Thông tư số 21/2023/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào, Campuchia.
Thông tư số 21/2023/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024,quy định việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập từ Lào và Campuchia để tái xuất sang nước thứ ba đối với gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên thuộc nhóm HS 44.03 và 44.07 theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Thông tư này áp dụng cho thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia.
Theo Bộ Công thương, Thông tư nhằm hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ bất hợp pháp qua biên giới, kiểm soát được tình trạng thương nhân lợi dụng các quy định về loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ để thực hiện các hành vi gian lận thương mại; tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách, các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng, quản lý lâm sản đảm bảo phù hợp với các quy định quốc tế Việt Nam đã tham gia...