Tham gia hệ sinh thái FTA - cách tiếp cận mới khẳng định thương hiệu ngành thủy sản Việt Nam
Được xem là điểm sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng năm 2024, ngành thủy sản đã đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu nước ta thời gian qua. Đó là nhờ việc triển khai nhiều giải pháp khai thác tối đa các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt khoảng 7,16 tỷ USD, tăng khoảng 8,5% so với cùng kỳ. Đây là con số tương đối ấn tượng. Hiện mặt hàng thủy sản của nước ta đã được xuất khẩu đến hơn 160 thị trường. Trong đó có ba thị trường chiếm lưu lượng lớn, phải kể đến đều là những thị trường mà Việt Nam đã có các hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương. Nhất là khu vực thị trường CPTPP chiếm khoảng 25% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Thứ hai là thị trường châu Âu (có EVFTA) chiếm khoảng 10% và thứ ba là thị trường Hàn Quốc với hiệp định VKFTA chiếm khoảng 9%. Cả ba thị trường này đều là những khu vực thị trường có kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD trở lên.
Sản xuất, xuất khẩu thủy sản đều đã làm được, đã hội nhập được và có những “sân chơi” tốt hơn đối thủ đó là nhờ các FTA. Ảnh minh họa |
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, sản xuất, xuất khẩu chúng ta đều đã làm được, đã hội nhập được và có những “sân chơi” tốt hơn đối thủ đó là nhờ các FTA. Song, để “chơi” và “chơi tốt hơn” trong sân này chúng ta phải có “sức”. “Sức” ở đây chính là thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy xuất khẩu ngành thủy sản bền vững, chuyên gia cho rằng, cần phải nỗ lực xây dựng thương hiệu. Xây dựng thương hiệu từ trong chuỗi sản xuất, xuất khẩu, từ người nuôi trồng, đến chế biến, xuất khẩu…
Để giải quyết bài toán này, hiện nay Bộ Công Thương đã và đang xây dựng hệ sinh thái tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với một số mặt hàng, trong đó có ngành thủy sản. Theo lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại và đa biên, Bộ Công Thương, trong hệ sinh thái FTA này có hai cấu phần cơ quan quản lý và cấu phần doanh nghiệp - đây là "linh hồn" vận hành các ý tưởng, kế hoạch. Bộ đang lấy ý kiến các chủ thể, doanh nghiệp, địa phương để xem tính khả thi và những vấn đề nào cần triển khai. Trước mắt, Bộ sẽ làm thí điểm ở một số khu vực, ngành hàng; nếu mô hình thành công thì việc xử lý những khó khăn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành hàng thủy sản sẽ là cách tiệp cận mới, căn bản, quan trọng giúp doanh nghiệp xuất khẩu và toàn ngành thủy sản tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đánh giá về mô hình hệ sinh thái ngành thủy sản tận dụng FTA, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, cần phối hợp, kết hợp để trở thành một hệ sinh thái, các chủ thể cùng tham gia vào quá trình sản xuất, xuất khẩu để cùng nhau giải quyết những vấn đề vướng mắc, để đi tới mục đích cuối cùng là gia tăng năng lực cạnh tranh, tận dụng tốt hơn các FTA.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan tham gia vào xây dựng mô hình hệ sinh thái FTA để góp phần giải quyết dứt điểm các bài toán thực tiễn của ngành thủy sản.
Các FTA đã tạo ra được những “sân chơi” lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu, đây là những điểm thuận lợi và chúng ta phải cố gắng giành, giữ thị phần. Hiệp hội sẽ đóng vai trò tích cực trong các Tổ công tác để xây dựng mô hình hệ sinh thái này. Các địa phương, doanh nghiệp thủy sản cũng mong muốn hệ sinh thái FTA này sớm vận hành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam.