Định hướng xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường Canada
Sau hơn 5 năm có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã góp phần đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở đường cho hàng hóa Việt Nam sang các thị trường tiềm năng và mới mẻ. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Canada, có tăng trưởng ấn tượng tới 2 con số kể cả giai đoạn dịch COVID-19.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu 7 tháng năm 2024 của Việt Nam sang Canada đạt trên 3,6 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023. Dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, nhưng hàng hóa gắn thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài.
Trên 60% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada thuộc khu vực FDI có thương hiệu riêng, trong khi khu vực trong nước chủ yếu vẫn xuất thô hoặc gia công. Ảnh minh họa |
Đặc biệt, sau khi thực thi Hiệp định CPTPP, xuất khẩu những mặt hàng hưởng thuế bằng 0 như: Điện thoại, điện tử, điện máy hay là kim loại cơ bản, thủy sản, rau củ, quả, gạo điều, chè, cà phê… đều tăng trưởng đột biến. Dù vậy, trên 60% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada thuộc khu vực FDI có thương hiệu riêng, trong khi khu vực trong nước chủ yếu vẫn xuất thô hoặc gia công.
Nguyên nhân thương hiệu hàng Việt còn xuất hiện hạn chế ở các thị trường này là do nhiều doanh nghiệp ngại xây dựng thương hiệu, chấp nhận sản xuất gia công thuần túy; không có động lực để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, thương hiệu có thể mang lại.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu và xuất khẩu bằng thương hiệu riêng không phải là câu chuyện của tất cả các doanh nghiệp. Vấn đề này chỉ dành cho một số doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, có khả năng và có sự hiểu biết về thị trường và có một chiến lược bài bản. Bởi nếu doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm phải đảm bảo được chất lượng, đảm bảo tính ổn định cũng như thường xuyên nắm bắt được thị hiếu của thị trường. Từ đó mới giữ được khách hàng, giữ được thị trường và giữ được uy tín của thương hiệu của mình đối với nhà nhập khẩu, cũng như người tiêu dùng quốc tế.
CPTPP là thị trường lớn, trong đó, thị trường Canada vẫn đang còn nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Khi doanh nghiệp đã thâm nhập được thị trường Canada bằng thương hiệu riêng thì chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng sẽ được tăng thêm cùng đó, giúp nâng cao giá trị thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp
Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, hiện có ba cách đưa hàng Việt vào thị trường Canada, trong đó có hình thức thương mại điện tử. Trước đó, các doanh nghiệp dệt may và nội thất của Việt nam đã bắt đầu triển khai thương mại điện tử xuyên biên giới và có mặt tại thị trường Canada. Tuy nhiên, trong lĩnh vực thực phẩm chế biết có rất ít doanh nghiệp quan tâm tới mô hình này. Các doanh nghiệp trung gian thương mại điện tử không chỉ giúp xin cấp giấy phép mà còn giúp cả vấn đề logistics và cung ứng. Đây là mô hình khá phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Trong thời gian tới, để định vị, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam tại thị trường Canada, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho rằng, không có giải pháp chung và cũng không nên tìm con đường xây dựng thương hiệu giống nhau cho tất cả các doanh nghiệp, ngành hàng khi xây dựng thương hiệu tại thị trường Canada. Bởi, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu ngành riêng có, những cũng không ít các doanh nghiệp lại thành công khi sản xuất gia công theo yêu cầu của doanh nghiệp Canada, nhiều sản phẩm hàng hóa gia công mang thương hiệu Việt Nam đã xuất hiện trên hệ thống các siêu thị lớn của nước này như: sản phẩm nước dừa, tôm chiên bột, nước mắm…
Dù vậy, theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, nhiều ngành xuất khẩu sang thị trường nước ngoài bắt buộc phải có thương hiệu riêng như ngành dịch vụ, ngành dệt may, giày dép… đây là những ngành hàng cần mạnh dạn đầu tư xây dựng thương hiệu, những ngành này chúng ta không làm gia công nữa, chúng ta hoàn toàn đủ năng lực để sản xuất ra các sản phẩm riêng có của Việt Nam như: quần áo trẻ em, quần áo bảo hộ… để xuất khẩu.
Các doanh nghiệp cần phải đi chung với nhau, đi chung với cá Hiệp hội, ngành hàng, cùng nhau xây dựng phát triển thị trường xuất khẩu đúng với khẩu hiệu “buôn có bạn, bán có phường”, thể hiện sự đồng bộ tiêu chuẩn sản xuất, xuất khẩu; sự kết nối thông tin, sự phối hợp trong kho vận, dịch vụ logistics, cao hơn nữa là việc xây dựng hệ sinh thái các ngành hàng để thúc đẩy xuất khẩu.
Trong thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ các ngành hàng trong việc xây dựng, định vị thương hiệu tại thị trường Canada nói riêng và thị trường CPTPP nói riêng, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường hoạt động quảng bá, tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Đặc biệt, hỗ trợ các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp xây dựng chiến lược cạnh tranh của thương hiệu ngành, xây dựng và quảng bá những chỉ dẫn địa lý của ngành; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đã có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp có tiềm lực, tiềm năng và có khát vọng mang thương hiệu Việt Nam ra chinh phục thị trường thế giới.