Ngành cà phê và hệ sinh thái tận dụng FTA
Sau hơn 4 năm có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã tạo sức bật cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thị trường Liên minh châu Âu, trong đó có cà phê.
Tính chung 8 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,1 triệu tấn cà phê, thu về 4 tỷ USD. Liên minh châu Âu tiếp tục là khách hàng lớn nhất của ngành hàng cà phê Việt Nam. Thị trường này chiếm tới 39% về lượng và 38% trong tổng trị giá xuất khẩu cà phê của nước ta, với khối lượng đạt 412.179 tấn, trị giá trên 1,53 tỷ USD, giảm 9,4% về lượng và tăng 43,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xây dựng hệ sinh thái là xây dựng chuỗi liên kết từ các doanh nghiệp, cơ quan, địa phương, ngân hàng, tổ chức tư vấn, doanh nghiệp logistics, các bộ, ngành liên quan. Ảnh minh họa |
Là một trong những vùng trồng cà phê lớn của thế giới, Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về diện tích, sản lượng, chất lượng, cùng nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cơ sở chế biến, cải tiến công nghệ để sản xuất các sản phẩm từ cà phê, góp phần nâng cao giá trị và tăng thêm sự phong phú cho mặt hàng cà phê.
Nếu như trước kia, hầu như doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân thì từ khi EVFTA có hiệu lực, thuế của cà phê rang xay hòa tan nhiều nước áp dụng lộ trình xuống 0 - 5%. Điều này là động lực cho các doanh nghiệp đầu tư cho chế biến sâu để nâng giá trị gia tăng của hạt cà phê. Đây cũng là định hướng lâu dài đối với ngành cà phê Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê chủ yếu vẫn là cà phê nhân, các sản phẩm cà phê chế biến khác như cà phê rang, cà phê bột... vẫn chưa xuất khẩu được nhiều. Theo đó, tận dụng hiệu quả dư địa của các FTA, đặc biệt là Hiệp định EVFTA thông qua việc xây dựng hệ sinh thái cho ngành hàng cà phê là giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển và tháo gỡ những khó khăn trong kết nối chuỗi chế biến cà phê; quy trình kỹ thuật sản xuất, vốn và công nghệ; xây dựng thương hiệu...
Mục tiêu là giúp tạo ra sự kết nối giữa những chủ thể có liên quan để phối hợp giải quyết, xử lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn về phát triển bền vững đang ngày càng phổ biến trên thế giới.
Xây dựng hệ sinh thái là xây dựng chuỗi liên kết từ các doanh nghiệp, cơ quan, địa phương, ngân hàng, tổ chức tư vấn, doanh nghiệp logistics, các bộ ngành liên quan... Việc xây dựng chuỗi kết nối này hiện nay đã có nhưng chưa toàn diện, ví dụ hiệp hội kết nối doanh nghiệp nhưng lại chưa có sự kết nối với địa phương, bộ, ngành… Do đó, phải xây dựng lại chuỗi kết nối.
Trong bối cảnh EU cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng từ cuối năm 2024, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam khuyến cáo các địa phương cần kiểm soát người dân sống vùng gần rừng và ngăn chặn hành vi phá rừng để trồng cà phê. Việc xây dựng hệ sinh thái sẽ giúp ích cho việc truy xuất đến cùng nguồn gốc sản phẩm, minh bạch nguồn gốc, giúp doanh nghiệp dễ dàng đưa sản phẩm ra thị trường. Đáng chú ý, nếu việc tạo dựng hệ sinh thái cho ngành cà phê thành công sẽ giúp lan tỏa triển khai đến các ngành nông sản có thế mạnh khác.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để xây dựng thành công hệ sinh thái ngành hàng cà phê cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất cà phê và xác định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi với các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng; tăng cường sự hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp và hợp tác xã trong việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành hàng cà phê được xây dựng thành công sẽ góp phần tạo ra chiến lược phát triển ngành hàng bền vững, minh bạch; từ đó quyết liệt hơn trong công tác điều hành sản xuất nông nghiệp để nông sản khẳng định vị trí, uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế và tạo ra công cụ, lực đẩy thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, bền vững cho ngành cà phê Việt trong thời gian tới.