Ngành da giày và hệ sinh thái tận dụng FTA
Các Hiệp định thương mại tự do đã và đang tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho ngành da giày Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nào đó. Đặc biệt, kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra một kỉ nguyên mới, đem lại những biến chuyển tích cực trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, trong đó có ngành da giày.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của công nghiệp hỗ trợ ngành da giày đạt 75-80% với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, ngành giày dép trong nước đã tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu. EVFTA không chỉ là động lực thúc đẩy thương mại song phương, mà theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giày dép - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%. Quý I/2024, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 34,3%.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra một kỉ nguyên mới, đem lại những biến chuyển tích cực trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, trong đó có ngành da giày. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc trên, ngành da giày vẫn đối diện với các khó khăn, như: nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, bị ép giá và phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, giảm nhân công và thu nhập; giá đơn hàng không tăng trong khi chi phí logistics, cụ thể là chi phí vận tải biển đã tăng liên tục và doanh nghiệp Việt phải chia sẻ một phần chi phí vận chuyển, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Đồng thời, Việt Nam hiện vẫn chưa có thị trường kinh doanh giao dịch mua bán nguyên phụ liệu da giày...
Không những vậy, thời gian gần đây, các nước nhập khẩu giày dép lớn liên tiếp đưa ra những yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm xã hội và môi trường ngày càng cao. Từ tháng 3/2024, thị trường EU đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới, như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững và truy xuất, minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất. Những chính sách này trực tiếp và gián tiếp đang và sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp sản xuất da giày của Việt Nam.
Để có thể tìm được lời giải cho bài toán này, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan đầu mối về đàm phán và thực thi FTA đã và đang tăng cường kết nối với bộ ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan để tạo hệ sinh thái liên kết nhằm giúp ngành da giày tận dụng FTA hiệu quả.
Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Đề án về Hệ sinh thái tận dụng các FTA, trong đó có việc xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA cho ngành da giày. Theo dự thảo đề án, mục tiêu chính là giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích của FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, qua đó tạo đòn bẩy cho ngành da giày phát triển.
Tham gia vào hệ sinh thái, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu sẽ được hỗ trợ vốn từ các tổ chức tín dụng tham gia hệ sinh thái; được tư vấn tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ; được hỗ trợ thông tin về thị trường, kết nối khách hàng, hợp đồng; được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh…
Về phía ngân hàng, có thể giải ngân nguồn tín dụng hiệu quả, đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong khi vẫn bảo đảm an toàn tài chính; đa dạng khách hàng vay vốn; có thể mở rộng việc kết nối với các tổ chức, cơ quan ở địa phương và Trung ương; được hỗ trợ xử lý các vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh…
Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành da giày để kịp thời tháo gỡ hoặc tham mưu với cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nói chung và ngành da giày nói riêng.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương triển khai kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các mục tiêu Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tiếp tục phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ sinh thái của ngành da giày, điều chỉnh chiến lược, chuyển đổi sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu, xu hướng, chiến lược và quy định mới của các thị trường, nhất là xu hướng chuyển đổi sản xuất, xuất khẩu xanh, bền vững, tận dụng có hiệu quả các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới