Trạm tin thị trường ngày 14/12: Công ty Cổ phần ToBé Việt Nam bán hàng thiếu chứng nhận?
Xin kính chào quý vị và các bạn đang theo dõi “Trạm tin thị trường” của Báo Công Thương. “Trạm tin thị trường” hôm nay gồm có những thông tin đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Công ty Cổ phần ToBé Việt Nam bán hàng thiếu chứng nhận?; Cẩn trọng lừa đảo, trục lợi khi mua vé chương trình ca nhạc, concert ngoài chợ đen; Nhận diện sản phẩm táo đỏ Hàn Quốc thật và giả.
Công ty Cổ phần ToBé Việt Nam bán hàng thiếu chứng nhận?
Theo quy định tại QCVN 04:2009/BKHCN, sản phẩm nồi chiên không dầu khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy (dấu CR). Tuy nhiên, dù chưa đáp ứng đủ quy định tại quy chuẩn này, sản phẩm của Công ty Cổ phần ToBé Việt Nam vẫn được đưa tới tay người dùng.
Thương hiệu ToBé được điều hành bởi CEO Đào Đức Đăng, thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần ToBé Việt Nam, là nơi chuyên phân phối các sản phẩm dành cho mẹ, bé và đồ gia dụng. Xuất hiện trên thị trường từ năm 2021, sản phẩm của ToBé đã nhanh chóng phủ sóng, có mặt nhiều cửa hàng mẹ và bé trên khắp cả nước.
Việc sản phẩm của ToBé không được gắn dấu CR khiến người dùng lo lắng bởi không rõ liệu sản phẩm này đã được chứng nhận hay chưa? |
Trên website tobe.com.vn, Công ty Cổ phần ToBé Việt Nam cũng tự giới thiệu là thương hiệu cung cấp những sản phẩm chất lượng cho trẻ em Việt Nam và cam kết mang tới những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, sản phẩm nồi chiên không dầu do công ty này phân phối lại bị người dùng “tố” chưa đáp ứng quy định về chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Theo phản ánh của một người dùng tại Hà Nội, ToBé hiện đang phân phối sản phẩm nồi chiên không dầu MS 9129. Tuy nhiên, khi kiểm tra sản phẩm được giao tới nhà, người dùng này phát hiện sản phẩm không được gắn dấu hợp quy (dấu CR) - một trong những dấu hiệu để nhận biết sản phẩm đã đáp ứng đủ quy định về chứng nhận chất lượng.
Trong khi đó, theo quy định tại QCVN 04:2009/BKHCN về an toàn thiết bị điện - điện tử, sản phẩm nồi chiên không dầu khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR).
Việc sản phẩm của ToBé không được gắn dấu CR khiến người dùng lo lắng bởi không rõ liệu sản phẩm này đã được chứng nhận hay chưa? Vì sao Công ty Cổ phần ToBé Việt Nam lại không được gắn dấu hợp quy cho sản phẩm theo quy định? Sản phẩm này liệu có an toàn cho người sử dụng hay không?
Phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ để có thêm thông tin khách quan, tuy nhiên phía Công ty Cổ phần ToBé Việt Nam vẫn chưa có phản hồi về sự việc.
Để đảm bảo quy định pháp luật về chứng nhận hợp quy được thực hiện nghiêm, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với Công ty Cổ phần ToBé Việt Nam.
Cẩn trọng lừa đảo, trục lợi khi mua vé chương trình ca nhạc, concert ngoài chợ đen
Chỉ còn vài giờ nữa, concert “Anh trai vượt ngàn chông gai 2024 Day 2” sẽ chính thức được diễn ra, xong để chứng kiến các anh trai vượt chông gai thì hàng chục ngàn người hâm mộ đang phải “vượt chông gai” của chính mình để tìm những tấm vé vào sân. Lợi dụng nhu cầu cao, nhiều phe vé đã đẩy giá, đội giá lên cao gấp 3 đến 4 thậm chí hàng chục lần nhằm trục lợi. Không ít trường hợp người hâm mộ bị lừa đảo, vì mất tiền mà không có vé.
Cận kề concert Anh trai vượt ngàn chông gai: Cẩn trọng lừa đảo khi mua vé bán lại |
Càng gần đến ngày diễn ra, trong những hội nhóm pass vé, cơn sốt vé ngày càng sôi sục. Dạo một vòng trong các nhóm thảo luận về concert Anh trai vượt ngàn chông gai, không khó để bắt gặp các bài đăng pass vé.
Theo khảo sát vào ngày 13/12, giá vé được rao bán trong các hội nhóm giảm nhẹ so với hồi đầu tháng 12 nhưng vẫn cao hơn giá trị thực khoảng 3-4 lần. Một cặp vé Đỉnh Nóc, Kịch Trần được rao bán dao động từ 19-19,5 triệu đồng/cặp, trong khi giá gốc là 7 triệu đồng/cặp.
Tương tự, cặp vé Tinh Hoa, Thiếu Nhi cũng được đẩy giá gấp 3 lên 12 triệu đồng/cặp, vé Bay Phấp Phới là 15,5 triệu/cặp. Hạng vé X VIP – hạng cao nhất của concert Anh trai vượt ngàn chông gai có giá gốc 16 triệu đồng/cặp, nay đã được các phe vé “hét giá” lên đến 40 triệu đồng.
Chị Khánh An (Hà Nội) cho biết, những ngày qua chị miệt mài đi tìm vé. Nhiều lần inbox hỏi mua nhưng không thấy người bán trả lời, còn ai phản hồi thì giá đưa ra rất cao.
“Tìm vé trong vô vọng quá. Mình nhắn tin thì không thấy các bạn bán vé phản hồi, ai phản hồi thì toàn đưa ra giá đắt gấp 3 lần so với giá gốc, thật sự không mua nổi”, chị Yến chia sẻ về hành trình đi tìm vé đầy chông gai của mình.
Bạn Thùy Dương (Hà Nội) cũng gặp phải tình trạng tương tự: “Em cần tìm vé ATVNCG giao dịch trực tiếp ở Hà Nội ạ. Vé nào cũng được, em tuyệt vọng lắm rồi. Em đi một mình nên tìm người bán lẻ”.
Thị trường mua bán, trao đổi vé concert Anh trai vượt ngàn chông gai Hà Nội hỗn loạn khiến người mua e dè vì giá đắt thì không đủ tài chính, còn giá rẻ thì sợ bị lừa đảo.
Cùng với những bài đăng pass vé, thì những bài đăng “bóc phốt’ lừa đảo cũng xuất hiện không ít.
Mới đây, một tài khoản trong nhóm chuyên trao đổi vé ca nhạc đã đăng bài cảnh báo lừa đảo chuyên nghiệp dưới hình thức mua bán vé Anh trai vượt ngàn chông gai.
Theo tài khoản này chia sẻ, thủ đoạn của kẻ lừa đảo là sử dụng hình thức mua bán vé QR Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai…. Sau đó, 1 vé được đối tượng bán cho nhiều người với giá rẻ hơn 30-40% giá thị trường .
Hồi đầu tháng 12, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cảnh báo lừa đảo bán vé xem các chương trình ca nhạc đang thu hút sự quan tâm của công chúng.
Thủ đoạn thường thấy của đối tượng lừa đảo là tạo những tài khoản mạng xã hội giả mạo, tham gia hoặc tạo những hội nhóm trao đổi, bán lại vé nhằm thu hút người dùng. Đối tượng còn tung nhiều "chiêu thức" như tạo ra vé giả với hình thức tương tự như vé thật và rao bán với giá thấp hơn so với giá thị trường, người mua thường không phát hiện ra cho đến khi đến cửa vào sự kiện.
Thậm chí, một số đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người mua đặt cọc trước với lý do "đảm bảo vé” rồi sau đó lặn mất tăm. Bên cạnh đó, một số đối tượng quảng cáo vé VIP hoặc các gói dịch vụ đặc biệt mà thực chất là không tồn tại, dụ dỗ người mua với các lợi ích, giá trị không có thật.
Trong cơn bão “thật giả lẫn lộn” này, giao dịch trực tiếp đang là hướng đi mà nhiều người hâm mộ lựa chọn. Thay vì chuyển tiền ngay cho người bán, nhiều khán giả sẽ chọn phương thức giao dịch trực tiếp.
Sự nhộn nhịp đi kèm với rủi ro. Nhiều tài khoản mới lập ra chỉ để rao bán vé, không ai đảm bảo độ uy tín. Mỗi giờ trôi qua, giá vé chợ đen lại từ từ tăng lên một chút. Dù trong các hội nhóm, mọi người đã liên tục cảnh báo về các loại giao dịch mập mờ, cập nhật danh sách hàng trăm tài khoản từng lừa đảo… để người mua lưu ý, song chính bản thân người hâm mộ phải nâng cao cảnh giác, chọn mua vé từ các kênh phân phối của Ban tổ chức Chương trình. Trường hợp sang nhượng vé cần kiểm tra cẩn thận, tránh tiền mất tật mang, tuyệt đối không tiếp tay cho các đối tượng “phe vé” để góp phần xây dựng môi trường văn hóa âm nhạc lành mạnh.
Xin mời quý vị khán giả đến với chuyên mục “Nhận diện hàng thật - hàng giả
Nhận diện sản phẩm táo đỏ Hàn Quốc thật và giả
Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... đã trở thành vấn nạn tại thị trường Việt Nam. Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thuộc đủ chủng loại từ hàng tiêu dùng, thực phẩm gia dụng, điện tử tới thực phẩm, dược phẩm... Dịp cuối năm, sản phẩm táo đỏ khô có xuất xứ từ Hàn Quốc lại trở thành “tâm điểm mua sắm” trên thị trường, song nhiều người tiêu dùng đã mắc bẫy lừa đảo, mua phải sản phẩm giả mạo xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Để bảo vệ quyền lợi, người tiêu dùng chỉ nên chọn mua sản phẩm táo đỏ khô tại các cửa hàng uy tín, được phân phối chính hãng. |
Cùng Trạm tin thị trường số hôm nay điểm qua các đặc điểm nhận diện sản phẩm táo đỏ khô Hàn Quốc chính hãng.
Thị trường Việt Nam cả online, offline đang xuất hiện nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh sản phẩm táo đỏ khô Hàn Quốc (Dried Jujube) do Công ty TNHH TM Organic Farm nhập khẩu và được Công ty TNHH Solomon International phân phối. Song, bên cạnh những sản phẩm được nhập khẩu, phân phối chính hãng, thị trường lại xuất hiện nhiều sản phẩm là hàng giả, kém chất lượng. Dưới đây là một số đặc điểm nhận diện phân biệt sản phẩm này.
Đối với sản phẩm chính hãng: táo đỏ khô Hàn Quốc phân phối tại thị trường Việt nam được đóng gói dưới dạng túi, trọng lượng lớn nhất là 500gr, bao bì in rõ thông tin nhà nhập khẩu, phân phối, có mã QR code...
Sản phẩm giả mạo xuất xứ, xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu táo đỏ khô Hàn Quốc được đóng gói với trọng lượng lớn hơn 500gr, trong túi nhựa, và đựng trong hộp màu đỏ, hình chữ nhật rất bắt mắt, trang trọng. Quả táo bên trong có kích thước to hơn rất nhiều so với táo khô Hàn Quốc chính hãng.
Để bảo vệ quyền lợi, người tiêu dùng chỉ nên chọn mua sản phẩm táo đỏ khô tại các cửa hàng uy tín, được phân phối chính hãng.
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần tìm hiểu thông tin về người bán, đảm bảo rằng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đã được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không nên mua ở những trang mạng, kênh bán hàng online, fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin chi tiết sản phẩm thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn.
Xin mời Quý vị đến với Chuyên mục “Quản lý thị trường 24h” của Trạm tin thị trường hôm nay
Cao Bằng: Tạm giữ trên 1,8 tấn nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thực hiện Kế hoạch số 1051 ngày 24/10/2024 của Cục QLTT tỉnh Cao Bằng Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
Mới đây, nhận được nguồn tin do quần chúng nhân dân cung cấp đã được thẩm tra, xác minh là có căn cứ. Đội QLTT số 5 phát hiện xe ô tô tải có mui biển kiểm soát tỉnh Cao Bằng đang dừng đỗ tại xóm Thôn Ga, xã Quang Trung huyện Trùng Khánh, có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vi phạm. Đội QLTT số 5 tiến hành đưa phương tiện vận tải về trụ sở Cục QLTT tỉnh Cao Bằng tổ chức khám phương tiện xe ô tô tải biển kiểm soát Cao Bằng do ông L.V.T, địa chỉ: xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh là người điều khiển phương tiện.
Kết quả khám phát hiện trong thùng xe có cất dấu 1.833 kg nguyên liệu thuốc lá (lá thuốc lá đã sấy khô, chưa tách cọng) không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Ông L.V.T lái xe khai nhận toàn bộ 1.833 kg số lá cây thuốc lá đã khô chưa tách cọng nêu trên do tôi mua gom với nhiều người dân không rõ danh tính tại huyện Trùng Khánh mang ra thành phố Cao Bằng bán cho doanh nghiệp kiếm lời thì Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra tạm giữ toàn bộ hàng hoá.
Đội trưởng Đội QLTT số 5 đã tiến hành tạm giữ 1.833 kg nguyên liệu thuốc lá nói trên để xác minh tình tiết vụ việc, trình cấp có thẩm quyền xử lý vụ việc theo quy định của Pháp luật.
Trong thời gian tới, Đội QLTT số 5 tiếp tục tăng cường các biện pháp quyết liệt hơn để đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm từng bước góp phần tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thưa quý vị!
Trạm tin thị trường số ngày 14/12/2024 của Báo Công Thương xin được tạm dừng tại đây.
Xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi!
Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những Trạm tin thị trường tiếp theo!