Thị trường sữa Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 40 doanh nghiệp sản xuất và phân phối sữa.
Theo báo cáo Xu hướng và Tăng trưởng Thị trường sản phẩm sữa toàn cầu, quy mô thị trường sữa dự kiến sẽ tăng từ 613,96 tỷ USD vào năm 2023 lên 840 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR là 6.47% trong giai đoạn dự báo.
Thị trường sữa Việt Nam ngày càng đa dạng về loại hình sản phẩm, từ sữa bột, sữa tươi, sữa đặc, sữa chua, đến các sản phẩm sữa chức năng, sữa hữu cơ, sữa không lactose, sữa thực vật và các sản phẩm sữa kết hợp với các nguyên liệu khác như trái cây, ngũ cốc, rau củ, thảo mộc...
Sự đa dạng của doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng cũng như sản phẩm và giá cả đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng truyền thông bẩn để tấn công đối thủ nhằm chiếm thị phần với nhiều cách thức khác nhau như đưa thông tin sai, phiến diện chưa được kiểm chứng, nhắc đi nhắc lại những lỗi sai dù đã bị xử lý…
Một hiện tượng khác là doanh nghiệp đăng tải các video quảng cáo gắn với các “bác sĩ”, các "chuyên gia" mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần xuất dày đặc trên mạng xã hội gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Câu hỏi mà dư luận quan tâm là liệu có một chiến dịch truyền thông bẩn và hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong ngành sữa hay không? Và nó sẽ ảnh hưởng tới thị trường sữa Việt Nam như thế nào? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, hôm nay, Báo Công Thương tổ chức toạ đàm với chủ đề: Quản lý thị trường sữa và vấn nạn “truyền thông bẩn”.
Chương trình có sự tham gia của các diễn giả và khách mời:
- Ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
- TS Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế
- Chuyên gia dinh dưỡng, PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia
- Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
- Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp