Đà Nẵng: tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics
Sáng 18/4, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics. Hội nghị là dịp để chính quyền lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ kịp thời những vướng mắc đang cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường khẳng định, sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics là chuỗi hoạt động then chốt của nền kinh tế, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GRDP của địa phương và GDP cả nước. Trong thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Nhiều doanh nghiệp trong thành phố đã khẳng định được vị thế trên thị trường, hoạt động hiệu quả và đóng góp tích cực cho ngân sách.
Qua tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng ghi nhận 7 nhóm vấn đề đang được quan tâm, trong đó nổi bật là những vướng mắc về thủ tục hải quan, khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics và xuất nhập khẩu, biến động thị trường do lạm phát và rào cản thương mại, vướng mắc trong thực hiện chứng nhận xuất xứ (C/O), một số quy định vận tải đường bộ còn bất cập, cũng như việc điều chỉnh thuế quan từ các thị trường xuất khẩu lớn.
Trước tình hình đó, Sở Công Thương đề xuất triển khai đồng bộ 4 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: phát triển sản xuất và mở rộng thị trường; phát triển logistics; cải cách thủ tục hành chính; và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, thành phố sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời khuyến khích hình thành chuỗi cung ứng nội địa nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - chia sẻ rằng, dù quy mô xuất khẩu của Đà Nẵng hiện mới chỉ chiếm 0,42% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng với đà tăng trưởng hiện tại, thành phố đang dần định hình vai trò là trung tâm sản xuất - xuất khẩu công nghệ cao, bền vững và hiện đại. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động xuất khẩu của thành phố còn nhiều hạn chế, đặc biệt là quy mô doanh nghiệp nhỏ, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ở dạng gia công, chưa có thương hiệu riêng, và năng lực tiếp cận thị trường quốc tế còn yếu.
Đáng chú ý, dù Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA này vẫn ở mức thấp. Điều đó cho thấy dư địa khai thác các ưu đãi thương mại là rất lớn nếu doanh nghiệp có thêm hỗ trợ và định hướng phù hợp.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải đề xuất một số giải pháp gồm: Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các nhóm ngành hàng có giá trị gia tăng cao, thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời khuyến khích xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm phân phối hiện đại giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển.