Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 18/09/2024 17:51
Ngôi nhà của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam nằm sâu trong một ngõ nhỏ trên đường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ngôi nhà ấy nép mình dưới những bóng cây to lớn quanh năm toả bóng xanh mát. Ở nơi ấy, căn phòng trên tầng 2 là nơi ông vẫn sinh hoạt và nghỉ ngơi hàng ngày. Căn phòng ấy có một ô cửa rộng nhìn ra khoảng trời cao tít tắp. Dưới vòm trời và ô cửa nhỏ, chưa một giây phút nào ông nguôi nhớ thương về người vợ của mình đã “về bên kia thế giới”, cùng những người đồng đội đã phải nằm lại nơi chiến trường trong những trận đánh ác liệt năm xưa, và những câu chuyện một thời chinh chiến.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước |
Bức ảnh kỉ niệm chụp chung của hai ông bà vẫn được treo ngay ngắn trên tường. Chiếc mũ quân đội vẫn được ông để ngay trên nóc tủ, nơi ông có thể dễ dàng nhìn thấy nhất. Cùng những kỉ vật đáng nhớ trong cuộc đời vẫn luôn được ông cất giữ cẩn thận…
Những điều thiêng liêng, trân quý về đồng đội về một thời đã xa ấy, mỗi khi chỉ cần nhắc tới thôi, một người tướng bản lĩnh, mạnh mẽ từng xông pha biết bao nhiêu trận mạc như ông lại rơm rớm nước mắt nghẹn ngào. Tháng 7 hàng năm, tháng có ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, ông lại nhớ đến những người đồng chí, đồng đội của mình đã hi sinh xương máu vì nền độc lập dân tộc, bình yên cho đất nước khi được PV Báo Công Thương của chúng tôi ghé thăm.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Bây giờ trên 4 vạn 6 nghìn liệt sĩ thì không có liệt sĩ nào mà không có mất mát, đau thương cả. Người chiến binh ngoài mặt trận đã khóc cho đồng đội mình hết nước mắt rồi. Mà đúng thật, 4 vạn liệt sĩ thì còn lấy đâu ra nước mắt mà chảy ra. Trong 4 vạn 6 nghìn liệt sĩ đó thì cái xúc động mạnh mẽ nhất là những người đồng đội của ông đã ngã xuống tại Sài Gòn trước 11h30 sáng 30/4 - lúc mà những người chiến sĩ đứng trước ngưỡng cửa của hòa bình chỉ còn mấy phút nữa, mấy giờ nữa, mà Quân đoàn 3 của ông còn phải hi sinh đến 230 liệt sĩ ở ngay khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn. Nhìn đi qua các bức ảnh anh em nằm lại lúc bấy giờ thì mình thấy xót xa vô cùng. Hi sinh trong suốt cuộc chiến tranh thì đã đau thương rồi, nhưng hi sinh ngay trước ngưỡng của hòa bình, lúc mà có lẽ ông nghĩ rằng khi tuyên bố “sáng 30/4 ta đã giải phóng Sài Gòn”, thì chắc rằng gia đình các chiến binh của ông ngoài miền Bắc chắc cũng rất vui mừng, chắc chắn rằng con cháu mình vẫn đang còn sống. Không ngờ trên 230 liệt sĩ đã nằm lại trong giờ phút đó, thì có lẽ là đau đớn nhất…"
Cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ nhưng cũng như đầy kiên trung, bất khuất, tự hào - cả cuộc đời ông đã gắn liền với những cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trong gần 50 năm công tác, ông tham gia chiến đấu khắp các mặt trận Bắc - Trung - Nam, ở cả 3 chiến trường Việt Nam - Lào - Campuchia; đánh hàng trăm trận lớn, nhỏ, trong đó, có những trận đánh do ông trực tiếp chỉ huy được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Năm nay, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã bước sang tuổi thứ 99. k. Mạng xã hội bao lâu nay đã trở thành một người bạn thân thiết của ông để ông có thể theo dõi nhưng thông tin thời sự, chính trị, xã hội hàng ngày, những vấn đề nóng của đất nước, hay tình hình Biển Đông… đặc biệt công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta hiện nay vẫn luôn được ông quan tâm và góp ý.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta ngày càng khởi sắc, ngày càng tiến lên, nhân dân Thế giới đều tự hào. Đồng chí Tổng Bí thư đã đánh giá rằng chưa bao giờ đất nước chúng ta có một vị thế như ngày hôm nay. Đó là mặt tích cực, mặt bao trùm lên toàn xã hội. Nhưng rất đau lòng, rất đáng tiếc trong quá trình như vậy thì có một số người ở các cương vị lãnh đạo cao cấp, kể cả từ trung ương lẫn địa phương đều có những vi phạm rất nghiêm trọng. Thế thì thử hỏi rằng, hôm nay nhân dịp 27/7 mà nhắc lại, thì các vị đấy có nghĩ rằng cái mà các vị đang ngồi ở đấy để mà đóng góp cho nhân dân có phải nhớ đến các liệt sĩ hay không? Hay là các vị quên hết tất cả để rồi các vị rơi vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng. Bác Hồ ngày xưa đã nói rồi, chủ nghĩa cá nhân là muôn vàn tội ác, thì các vị không nhớ. Cho nên, kiên quyết đấu tranh để loại trừ hệ thống tham nhũng, để cho Đảng ta trong sạch, để nhà nước ta trong sạch, để cuộc sống nhân dân ngày càng tốt hơn".
Gắn bó với cách mạng từ những ngày tiền khởi nghĩa, qua khắp các chiến trường biên giới, Bình - Trị - Thiên, Tây Nguyên, đến Chiến dịch Hồ Chí Minh hay nghị trường Quốc hội nóng gắt phản biện, đấu tranh, dù ở cương vị nào, là thời chiến hay thời bình, ông vẫn không quên nhắc nhở, động viên đồng đội “sống trọn nghĩa, vẹn tình”, phát huy tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”, cống hiến vì Tổ quốc, vì Nhân dân. Đặc biệt là những mong muốn và sự quan tâm của ông vẫn luôn dành một phần rất lớn hướng đến những người đồng chí, đồng đội của mình.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Đảng nhà nước đã có chính sách rõ ràng làm sao phải chăm lo chính sách cho các liệt sĩ đang nằm lại các chiến trường, các nghĩa trang. Thứ hai là chăm lo các gia đình của thương binh, liệt sĩ, chất độc da cam cũng được như những người dân trung bình hiện nay. Nếu được như vậy thì chắc chắn sẽ với đi những nỗi đau của những gia đình thương binh liệt sĩ. Nhưng thực tế bây giờ vẫn chưa được như vậy. Mong rằng nhân ngày 27/7, Đảng bộ, chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị, tất cả mọi người dân chúng ta hãy chung sức chăm lo cho ngày thương binh liệt sĩ, đạt như ý kiến mong muốn của Đảng và Nhà nước".
Nhiều ngày trong năm, đặc biệt là những ngày tháng 7, căn nhà nhỏ của ông lại là nhân chứng chứng kiến biết bao nhiêu tình cảm của đồng chí, đồng đội đến thăm hỏi, chúc mừng và quan tâm tới “thủ trưởng” - cái tên gọi đầy yêu thương vẫn luôn được mọi người nhắc nhớ khi nói về ông, một vị tướng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của tổ quốc Việt Nam - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.