MC Thảo Vân: Khi làm việc tốt, bản thân chúng ta là người hạnh phúc đầu tiên
Cơn bão số 3 vừa qua đã gây nhiều ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề tại thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc. Vậy nên làm từ thiện, cứu trợ thế nào cho phải? Đây là cụm phỏng vấn mà các phóng viên, biên tập viên Báo Công Thương thực hiện. Nhân vật được phỏng vấn đều là những người đã thành danh trong xã hội về chuyên môn và công việc của họ.
Cứu trợ, từ thiện là việc xuất phát từ trái tim, tâm hồn của mỗi người. Nó là phản xạ tự nhiên, nhưng làm cho phải, không hẳn dễ. “Phải” ở đây, là vừa phải lẽ, vừa hiệu quả, vừa đúng đắn, vừa tôn trọng pháp luật. Những ý kiến, nhận xét, đánh giá nhiều chiều của các nhân vật, mỗi người một góc nhìn – Báo Công Thương mong sẽ đem lại cho quý vị độc giả những kết luận hợp lý, hợp lẽ với mỗi người.
MC Thảo Vân (Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam) được biết đến là một biên tập viên đã gắn bó với bao thế hệ người xem truyền hình Việt, ngoài ra, chị cũng được biết đến là một người hoạt động thiện nguyện lâu năm với nhiều chương trình từ thiện thành công. Quá trình tham gia các hoạt động thiện nguyện đã giúp chị nhìn nhận lại vai trò của mình trong các hoạt động này như thế nào?
Tôi tham gia làm những hoạt động từ thiện từ rất rất lâu, có lẽ do tính chất công việc. Mọi người hay biết đến tôi với tư cách là một MC, nhưng thực tế tôi đang công tác với vai trò Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội và trước đó tôi cũng có nhiều năm công tác ở Đoàn Thanh niên. Ở hai tổ chức này, hoạt động thiện nguyện là hoạt động rất trọng tâm. Một phần, do tính chất công việc đã giúp cho tôi có cơ hội, điều kiện để tham gia các chương trình làm thiện nguyện. Bên cạnh đó, với tư cách là một MC chương trình, có thể tạm gọi là “một người được nhiều người biết đến”, tôi cũng có cơ hội tham gia vào những chương trình cần sự chung tay, đồng lòng của mọi người trước một vấn đề nào đó. Đây đều là những công việc đã mang đến cho tôi điều kiện để tham gia những hoạt động này.
Thực tế, cuộc sống của chúng ta còn rất nhiều khó khăn, không phải khi đối mặt với những thiệt hại quá nặng nề gây ra bởi thiên tai, bão lũ thì mới có hoạt động thiện nguyện, mà nó hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống. Và ai trong chúng ta, bằng những việc dù nhỏ hay dù lớn, cũng đều có thể tham gia những hoạt động này. Cá nhân tôi cho rằng đây là những hoạt động có ý nghĩa rất lớn đối với xã hội, đất nước, mỗi tổ chức hay mỗi cá nhân. Mỗi chúng ta chỉ cần chững lại một chút để nhìn lại những hoạt động này, tôi nghĩ nó sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều điều kì diệu.
Bản thân tôi khi tham gia những hoạt động này, tôi tự nhận thấy mình đã chững chạc lên từng ngày, học được những bài học về yêu thương, về giá trị cuộc sống, tình người, về cả những điều mình thấy là “nên” hay “không nên” trong cuộc đời này. Những giá trị này thể hiện ở rất nhiều những câu chuyện, những hoàn cảnh trong hoạt động thiện nguyện, và qua đó, chúng ta có thể chiêm nghiệm được rất nhiều thứ. Cá nhân tôi luôn đánh giá rất cao những hoạt động này và bất kể khi nào có điều kiện, tôi đều sẵn sàng tham gia làm tình nguyện!
Là một người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực giải trí và có nhiều năm gắn bó với công chúng, theo chị, người nổi tiếng có thể mang lại giá trị thực sự gì khi tham gia vào các hoạt động từ thiện? Đồng thời, chị nghĩ đâu là những thách thức hay rủi ro mà họ phải đối mặt trong quá trình này?
Tôi đánh giá rất cao vai trò của những người nổi tiếng đối với những hoạt động từ thiện, vì sức hút và tính truyền thông của họ rất cao, có thể lan tỏa rộng rãi được đến nhiều người. Họ có những lợi thế của họ, có nhiều người biết đến và có lượng người yêu quý nhất định, và khi làm hoạt động từ thiện, họ nhận được sự chú ý của toàn xã hội. Những hành động này được đánh giá rất cao và truyền cảm hứng cho nhiều tầng lớp trong xã hội. Nhiều nghệ sĩ có trách nhiệm xã hội rất lớn và tôi rất nể phục họ.
Mặt khác, khi tham gia từ thiện, tôi nghĩ những người nổi tiếng phải đối mặt rất nhiều rủi ro. Bởi khi họ đứng trước ánh mắt theo dõi của toàn xã hội, mỗi một lời nói hay cử chỉ của họ đều có muôn vàn ánh mắt theo dõi. Họ phải cố gắng làm cho “đúng”, và tất nhiên trong quá trình làm chúng ta cũng không thể chắc chắn là mình luôn chính xác 100%. Đôi khi chỉ vài sai sót rất nhỏ rất nhỏ và vô tình thì những người nổi tiếng cũng đã phải nhận những đánh giá rất tiêu cực, khắt khe của xã hội. Tôi cho rằng đôi khi chúng ta hơi khắt khe quá với những người nổi tiếng và đôi khi chúng ta cũng hơi thiếu “công bằng”. Về mặt nguyên tắc, họ không có có nghĩa vụ phải làm điều đó, mà họ tự nguyện với nghĩa vụ của một công dân có trách nhiệm với xã hội. Và với những cái sai do vô tình, không may, tự dưng họ bị “lên án”, đặt điều bởi cả xã hội thì tôi thấy họ rất khổ, và rất thông cảm cho họ.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận là đôi khi đâu đó cũng có trường hợp đã lợi dụng hoạt động này để đánh bóng tên tuổi, lôi kéo fan,... nhưng những trường hợp này tôi cho là rất ít, còn đại đa số các nghệ sĩ họ rất có ý thức cộng đồng. Tôi nghĩ khi làm từ thiện, những người nổi tiếng biết mình có thể bị hiểu lầm không có cách nào xóa nhòa đi, hay thậm chí mất trắng sự nghiệp, đó là những điều rất rủi ro bởi đôi khi, cách thức họ làm có thể bị sai ở chỗ nào đó, dẫn đến sự hiểu lầm làm cho họ bị thiệt thòi. Và tôi nghĩ nó cũng khiến nhiều người “lưỡng lự” khi quyết định tham gia hoạt động này.
Với tư cách là một công chức trong ngành giáo dục, chị nghĩ rằng việc giáo dục tinh thần nhân ái và xây dựng nhận thức về từ thiện nên bắt đầu từ đâu? Và người nổi tiếng có vai trò gì trong việc lan tỏa những thông điệp nhân văn này?
Trong ngành giáo dục, tôi nghĩ trước mỗi sự kiện lớn của nhân dân, ngành giáo dục đều có vai trò quan trọng. Đơn cử trong cơn bão số 3 vừa qua, ngành giáo dục đã có đóng góp rất lớn. Riêng nhà giáo và người lao động trong Đại học Quốc gia Hà Nội đã ủng hộ lên đến gần 1,7 tỷ đồng sau vài ngày, trong đó cũng có những khoản tiền rất lớn của phụ huynh của 1 trường phổ thông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Điều đó chứng tỏ các em đã luôn được học những bài học về tình người, nhân văn về trách nhiệm cộng đồng mà đã được các thầy cô chia sẻ.
Tôi nghĩ điều này là rất cần, bởi như đã nói ban đầu, từ thiện không chỉ là khi đất nước phải đổi mặt với một vấn đề rất lớn mà nó là ở trong cuộc sống hàng ngày chúng ta đều có thể làm được. Những hoạt động này, dù nhỏ nhưng nuôi dưỡng tâm hồn rất nhiều người. Nó sẽ dạy ta biết yêu thương cuộc sống này, dạy ta biết biết thông cảm, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, dạy ta biết bớt đi những gì của mình để cho những người khác, dạy ta có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng mặc dù qua những việc rất nhỏ!
Ngay trong ngành giáo dục, tôi nghĩ nên có những đợt vận động tuyên truyền, để dạy cho các em những bài học về cuộc sống. Việc giáo dục không nhất thiết phải qua lý thuyết mà qua những hành động nhỏ, qua những câu chuyện giản dị thôi nhưng có thể dạy cho các em rất nhiều điều. Tôi tin rằng, mỗi khi làm việc tốt, chúng ta là những người hạnh phúc đầu tiên! Vậy thì với các em, lại càng nên để cho các em được hưởng điều này, thông qua những bài học cuộc sống hàng ngày. Từ những câu chuyện “nho nhỏ”, các em sẽ được nuôi dưỡng như những “hạt mầm” về sự tử tế, nhân văn trong cuộc sống, về ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Những “hạt mầm” đó sẽ lớn dần dưới sự vun đắp, tưới tắm hàng ngày hàng giờ của nền giáo dục, lúc nào đó các em sẽ đủ vững vàng, tự biết mình cần phải làm gì để cho những mầm cây nhân ái đó phát triển. Tôi nghĩ nếu mỗi người trong chúng ta đều có ý thức về điều này, thì cuộc đời sẽ bớt đi những cay nghiệt, tồi tệ.
Hiện nay có hai luồng quan điểm về việc người nổi tiếng tham gia từ thiện: một bên cho rằng đây là nghĩa vụ của họ để đền đáp lại tình cảm và sự ủng hộ của cộng đồng; trong khi đó, một số khác lại cho rằng từ thiện là cách để đánh bóng tên tuổi hoặc thậm chí là lợi dụng lòng tốt của người hâm mộ. Chị có suy nghĩ gì về hai luồng quan điểm này?
Tôi nghĩ những người nổi tiếng dẫu biết họ có dễ thể bị hiểu lầm nhưng họ vẫn chấp nhận để làm điều này. Sau cơn bão số 3 Yagi vừa rồi, có rất nhiều người bạn của tôi, những người đã làm thiện nguyện nhiều năm, họ vẫn tiếp tục bị hiểu lầm, bị những con người “xấu tính” nào đó moi móc ra những điều không đúng của họ để “vu oan giá họa cho họ”. Tuy vậy, những người nghệ sĩ nổi tiếng vẫn rất tuyệt vời khi họ vẫn ủng hộ, lặng lẽ làm những hành động mà họ thấy là cần thiết và giá trị cho cộng đồng.
Tôi cho rằng, chúng ta đều nên đánh giá cao và trân trọng những điều đó, để cùng với họ lan tỏa những điều đó. Chỉ đơn giản giống như một lời nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, chẳng để làm gì chỉ cần để gió cuốn đi”. Không phải chỉ để “gió cuốn đi” một cách đơn giản, mà “gió cuốn đi” chính là để cho những “hạt mầm” nhân văn, tử tế bay và theo cơn gió gieo ở khắp mọi nơi. Đây là những mầm yêu thương gieo từ mảnh đất này đến mảnh đất khác để những sự khô cằn xấu xa không có đất để sống.
Tôi nghĩ chúng ta nên ủng hộ, tạo điều kiện hỗ trợ những người nổi tiếng để họ lan tỏa những thông tin tích cực đó và tất nhiên, ta vẫn sẵn sàng lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ với những trường hợp không trong sáng. Nhưng tôi tin, những nghệ sĩ bây giờ đều là người có hiểu biết, và nhất là người dân chúng ta nắm bắt thông tin rất nhanh chóng. Đừng ai nghĩ rằng lừa được người dân, khó lắm! Vốn dĩ trong cuộc đời, lừa dối nhau đã là một điều khó khăn, lại còn lừa dối trong chuyện từ thiện, tôi cho là không thoát được đâu, nên đừng dại mà làm những hành động như vậy! Vậy nên tốt nhất, đã làm từ thiện, hãy làm bằng cái tâm của mình, đừng bao giờ có tư tưởng sẽ che giấu được điều gì đó.
Trong quá trình tham gia các hoạt động thiện nguyện, chị có thể chia sẻ về một kỷ niệm đặc biệt hay cảm xúc đáng nhớ nào đã chạm đến trái tim mình? Với chị, thế nào là một hoạt động từ thiện đúng nghĩa - "là sự sẻ chia từ trái tim đến trái tim"?
Qua bao nhiêu năm làm thiện nguyện, tôi không thể nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu chương trình xã hội, đã đi đến bao nhiêu điểm đến, giúp đỡ bao nhiêu người. Và không một câu chuyện nào là không để lại cho tôi những cảm xúc đáng nhớ! Cũng rất khó chọn ra một kỷ niệm đáng nhớ nhất, bởi chẳng có một hoàn cảnh nào khi gặp gỡ mà không để lại trong tôi nhiều xúc động.
Tôi nhớ trong chuyến công tác ở Điện Biên, Lai Châu có lẽ đã hàng chục năm về trước, tôi có vào một khu bản của trẻ em dân tộc và thấy các em chỉ ăn cơm độn chấm với tro của cây chanh để có vị mặn, bởi họ không có muối để ăn. Ngày ấy tôi còn rất trẻ, nhưng có lẽ tôi không thể quên được cảm giác của mình khi đó. Lúc đó tôi chỉ có thể hỗ trợ được cho họ một chút quà, vậy nhưng câu chuyện này dạy cho tôi biết trân trọng những thứ mình đang có.
Bình thường mình cứ hay kêu ca, khi trong bữa ăn này thiếu món này, hay món kia không ngon. Nhưng thật sự sau câu chuyện đó, có lẽ tôi đã trở thành người dễ tính nhất trong chuyện ăn uống vì thỉnh thoảng chợt nhớ lại cậu bé vùng cao ấy. Đó là những giá trị rất to lớn tôi đã nhận được. Tôi đã học được cách thông cảm hơn, thấu hiểu hơn, sống nhân văn hơn, nhìn mọi thứ đỡ khắt khe hơn, biết sống thế nào cho tử tế. Khi làm từ thiện, tôi không những giúp đỡ được người khác mà còn nhận được những bài học giá trị về cuộc sống, với tôi như vậy đã rất mãn nguyện rồi! Đây là phương châm sống của tôi và cũng là lý do tôi rất sẵn lòng tham gia những chương trình từ thiện, xã hội, cộng đồng.
Tôi cho rằng, bất cứ ai cũng đều có thể tham gia thiện nguyện và chúng ta rất cần sự tham gia của tất cả mọi người. Có điều, tham gia thế nào thì mỗi chúng ta nên cân nhắc hết sức cẩn trọng. Như những bài học của những người nổi tiếng, họ phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro khi làm từ thiện, vậy làm từ thiện thế nào cho đúng? Nên kêu gọi với tư cách cá nhân, hay nên lan tỏa những thông điệp để kêu gọi? Ví dụ trong đợt bão lũ sau cơn bão số 3 Yagi vừa rồi, những người như chúng ta có nên trực tiếp đến hiện trường để giúp đỡ người dân hay không? Ta phải cân nhắc liệu mình có đủ chuyên môn, kinh nghiệm chống lũ, chống lụt không. Hay nên ở hậu phương giúp đỡ, lan tỏa thông tin. Tôi nghĩ mỗi người khi tham gia hoạt động thiện nguyện, cũng nên cân nhắc làm những công việc phù hợp với khả năng của mình.
Vừa rồi, tôi cũng rất cân nhắc xem có nên tới vùng lũ để cứu trợ bà con hay không. Bởi chỉ khi chừng nào ta đủ khỏe mạnh, nhanh nhẹn và kinh nghiệm thì mới nên như vậy, còn không, có thể sẽ “cản trở” những đơn vị có chuyên môn thực hiện cứu trợ. Chúng ta nên cân nhắc chứ không nên đi cứu trợ “theo cảm xúc”. Ngay cả việc ở hậu phương kêu gọi cứu trợ ra sao cũng cần tìm hiểu kỹ để nguồn cứu trợ được đến đúng nơi, đúng người, tránh nơi thừa, nơi thiếu và dễ dẫn đến hiểu lầm. Tôi cho rằng như vậy là không “chuyên nghiệp”.
Hiện nay, ta đang có một tổ chức rất quan trọng là Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng ta hãy tin tưởng vào những tổ chức nhà nước để gửi gắm tấm lòng của mình. Hoặc chí ít, ta hãy nên thông qua những tổ chức “được phép” đứng lên kêu gọi. Ví dụ Đại học Quốc gia chúng tôi vừa qua đã hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Tôi tin rằng những tổ chức “chuyên nghiệp” như vậy sẽ thay mặt chúng ta phân bổ nguồn kinh phí, nguồn lực phù hợp để có thể đến được nơi người dân thực sự cần, tránh lãng phí cả đôi bên.
Chung quy lại, tôi cho rằng chúng ta nên làm việc một cách “chuyên nghiệp” hơn, và nếu không thể chắc chắn việc mình đang làm, hãy thông qua một tổ chức chuyên nghiệp. Điều mong muốn của tôi đó là, chúng ta chỉ làm từ thiện để giúp cuộc sống tốt đẹp lên, còn tôi thực sự ước ao chúng ta không phải có cuộc vận động lớn trước thiên tai, bão lũ hay bất trắc, hiểm họa đến với bà con. Chúng ta hãy làm từ thiện hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống!
Xin cảm ơn những chia sẻ rất ý nghĩa của MC Thảo Vân!