Tấm lòng của Thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Trường Marie Curie với trẻ em Làng Nủ
Cơn bão số 3 Yagi đã gây nhiều ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc. Vậy nên làm từ thiện, cứu trợ thế nào cho phải? Đây là cụm phỏng vấn mà các phóng viên, biên tập viên Báo Công Thương thực hiện. Nhân vật được phỏng vấn đều là những người đã thành danh trong xã hội về chuyên môn và công việc của họ.
Cứu trợ, từ thiện là việc xuất phát từ trái tim, tâm hồn của mỗi người. Nó là phản xạ tự nhiên, nhưng làm cho phải, không hẳn dễ. “Phải” ở đây, là vừa phải lẽ, vừa hiệu quả, vừa đúng đắn, vừa tôn trọng pháp luật. Những ý kiến, nhận xét, đánh giá nhiều chiều của các nhân vật, mỗi người một góc nhìn – Báo Công Thương mong sẽ đem lại cho quý vị độc giả những kết luận hợp lý, hợp lẽ với mỗi người.
Những ngày qua, câu chuyện về một nhà giáo đầy lòng nhân ái đã khiến bao người không khỏi xúc động. Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang đã nhận nuôi tất cả những đứa trẻ may mắn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng ở Làng Nủ (Lào Cai), với lời hứa sẽ chăm sóc các em cho đến khi trưởng thành, tròn 18 tuổi. Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang là Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội), nhưng trên hết là một người thầy kính yêu trong lòng của biết bao thế hệ học trò và cả nhiều người không phải là học trò trực tiếp của thầy.
Qua đài báo, em được biết thầy và Trường Marie Curie (Hà Nội) đã quyết định nhận nuôi tất cả trẻ em, học sinh may mắn còn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng mới đây tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Thầy còn nhận nuôi ăn học với học sinh Nguyễn Văn Hành, lớp 12 THPT số 1 Bảo Yên, mất cha vừa mồ côi mẹ. Thầy có thể chia sẻ chi tiết về quyết định nhận nuôi tất cả trẻ em và học sinh sống sót sau trận lũ quét tại thôn Làng Nủ hay không? Điều gì đã thúc đẩy thầy có những hành động nhân hậu và đầy cảm thông này?
Phải nói rằng, những lần tôi hay bất kì ai tham gia công tác từ thiện, thường đều xuất phát từ cảm xúc tự nhiên và tình thương chân thành. Trong trận lũ quét vừa rồi, vào sáng sớm ngày 10/9 tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, tôi ngồi xem tin tức trên truyền hình, những hình ảnh về thảm cảnh của bà con nơi ấy thực sự khiến tôi không thể cầm lòng.
Khi tôi thấy mọi người, từ Thủ tướng Phạm Minh Chính đến những người dân bình thường, ai cũng xúc động rơi nước mắt trước mất mát này. Và tôi cũng vậy, nhưng chỉ khóc thôi ư? Tôi tự hỏi mình có thể làm gì để xoa dịu nỗi đau này, giúp những đứa trẻ mất mát ấy vượt qua khó khăn? Chỉ có hành động mới có thể giúp xoa dịu nỗi đau, cho cả họ và cho chính tôi. Vậy nên tôi nghĩ ra cách mình có thể làm nhận “nuôi” các con còn sống sót, bù đắp cho các con để chúng được ấm no, học hành tử tế.
Nhìn chung, sau mỗi thảm họa, thường có 5 việc chính cần phải làm. Thứ nhất, tìm kiếm những người mất tích và lo hậu sự cho người đã khuất. Thứ hai, cứu chữa những người bị thương. Thứ ba, tìm nơi trú ẩn tạm thời cho người dân. Thứ tư, dọn dẹp tàn tích, làm sạch môi trường sau thảm họa. Cuối cùng, thứ năm, là ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con. Trong bốn việc đầu tiên, đã có rất nhiều tổ chức và cá nhân xắn tay vào làm rất hiệu quả. Vậy nên tôi chọn điều cuối cùng, việc giúp đỡ ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con. Là một thầy giáo, tôi nghĩ ngay đến những đứa trẻ - những học sinh mất đi sự bảo bọc của gia đình, nhà cửa, tương lai bất định. Tôi tự nhủ mình có thể làm gì để đảm bảo các em không chỉ có nơi nương tựa mà còn được tiếp tục học hành đàng hoàng? Từ đó, tôi quyết định nhận nuôi các em đến khi đủ 18 tuổi.
Thông qua các anh chị phóng viên, đài báo đang có mặt trực tiếp tại hiện trường Làng Nủ, tôi đã lập tức gửi lời nhắn nhờ họ tìm cách giúp tôi thực hiện ý định này. Điều này không chỉ là trách nhiệm mà còn là tâm nguyện của tôi!
Trường Marie Curie không chỉ nổi tiếng với chất lượng giáo dục mà còn với tinh thần nhân đạo sâu sắc. Thầy có thể chia sẻ những chủ trương, phương pháp giáo dục để nhà trường và học sinh của trường Marie Curie Hà Nội có thể cảm nhận đúng về sự nhân hậu, hướng đến cái đẹp, hướng đến và làm những việc tử tế hay không? Theo thầy, giáo dục lòng nhân ái và trách nhiệm xã hội cho học sinh có tầm quan trọng như thế nào trong thời đại ngày nay?
Về bài học nhân văn, từ chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đã có gần 30 bộ sách giáo khoa ra đời với những bài học đầy đủ và đúng đắn cho học sinh. Do đó, tôi không cần phải thuyết giảng thêm điều gì, mà tôi chọn cách làm gương để các con noi theo. Chính hành động thực tế mới là bài học quý giá nhất. Tôi cũng khuyến khích các thầy cô giáo hãy làm gương để học sinh học hỏi từ chính cuộc sống hàng ngày.
Trong thời điểm hiện tại, như trong đợt lũ quét ở Làng Nủ (Lào Cai), các trường học đều nhận được văn bản từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo kêu gọi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh chung tay quyên góp ủng hộ đồng bào vùng thiên tai như thường lệ. Tuy nhiên, Trường Marie Curie chúng tôi có một nguyên tắc rất khác biệt. Đó là: không vận động ai, không quyên góp tiền mặt hay hiện vật từ bất kỳ ai. Nhiều người có thể thấy điều này không bình thường, nhưng với Trường Marie Curie, đây đã là cách làm quen thuộc từ nhiều năm nay.
Thay vì quyên góp, tôi thông báo ngắn gọn trong trường rằng chúng tôi sẽ nuôi dưỡng gián tiếp các em nhỏ may mắn sống sót sau trận lũ ở Làng Nủ cho đến khi các em đủ 18 tuổi. Mỗi tháng, nhà trường sẽ hỗ trợ mỗi em 3 triệu đồng, gửi trực tiếp cho bố mẹ (nếu còn) hoặc người đỡ đầu. Chúng tôi không đón các em về Hà Nội mà để các em tiếp tục sống tại Làng Nủ, dưới sự chăm sóc của gia đình hoặc người thân. Nếu sau này các em muốn, trường sẵn sàng đón các em lên Hà Nội và tạo điều kiện học tập và sống trong ký túc xá.
Tôi nhấn mạnh với các giáo viên và học sinh trong trường rằng: không vận động quyên góp. Thế nhưng, điều đặc biệt là không ai trong Trường Marie Curie ngồi yên trước hoàn cảnh này. Học sinh của tôi đã tự đập lợn đất, hai con lợn đất nuôi hai năm, thu được 7,7 triệu đồng để ủng hộ đồng bào vùng lũ qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phụ huynh và học sinh cũng cùng nhau làm ruốc thịt, đóng gói thực phẩm và mang lên Phú Thọ giúp đỡ bà con vùng thiên tai. Những việc làm tuy nhỏ ấy nhưng chứa đựng tình cảm lớn lao.
Điều đáng quý là tinh thần thiện nguyện này đã lan tỏa suốt nhiều năm qua. Các em học sinh, phụ huynh, giáo viên trong trường đều nhìn vào tôi và làm theo, mỗi người đóng góp một cách. Và thế là cả cộng đồng Trường Marie Curie đều chung tay, dù nhà trường không vận động.
Tôi cũng nhận được nhiều tin nhắn từ cựu học sinh, cựu giáo viên, phụ huynh cũ, hỏi liệu họ có thể chung tay với tôi giúp đỡ các em nhỏ ở Làng Nủ không. Tôi trả lời rằng, thầy Khang đã có nguyên tắc: không nhận quyên góp trực tiếp. Nhưng hiện tại, tôi đang hỗ trợ cho một em học sinh tên Nguyễn Văn Hành, lớp 12A9 Trường THPT số 1 Bảo Yên, em vừa mất cha mẹ trong trận lũ. Tôi đã mở tài khoản ngân hàng cho em Hành, gửi sinh hoạt phí hàng tháng và mua cho em một chiếc điện thoại để tiện liên lạc. Nếu ai muốn giúp đỡ em Hành, tôi sẵn lòng chia sẻ thông tin tài khoản để họ có thể gửi trực tiếp cho em. Mỗi người một chút, nhiều hay ít đều được.
Chính cách làm này - không vận động, không thu tiền, không hiện vật - nhưng vẫn tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng Trường Marie Curie. Ai cũng chung tay giúp đỡ với lòng tự nguyện và tinh thần trách nhiệm. Đó là điều tôi luôn tự hào về ngôi trường này!
Ngày 29/12/1966, tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Trong công tác lưu thông phân phối, có hai điều quan trọng phải luôn luôn nhớ: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên".
Vậy theo thầy, sự công bằng trong việc phân phối hàng cứu trợ có cấp thiết không? Thế nào là công bằng trong cứu trợ, và làm sao để đảm bảo sự công bằng này trong quá trình thực hiện để sự giúp đỡ đến đúng người, đúng nơi và hiệu quả nhất?
Bác Hồ nói câu đó từ năm 1966, đã rất lâu rồi, nhưng giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn. Vấn đề phân phối công bằng trong cứu trợ, theo tôi, là vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi hỗ trợ những người chịu thiệt hại sau thiên tai. Tôi có thể nói ngắn gọn như thế này: "Không có tiền thì ‘khó sống’, nhưng có quá nhiều tiền thì ‘sống khó’." Điều này cũng đúng với việc cứu trợ.
Trong trường hợp cứu trợ, chúng ta luôn nghĩ đến những người gặp nạn: họ mất nhà, mất cửa, mất người thân và kế sinh nhai. Xã hội sẽ cùng chung tay giúp họ vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, có một thực tế đau lòng đã xuất hiện trên mạng xã hội gần đây. Có những em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ sau lũ quét, được nhiều nhà hảo tâm quyên góp rất nhiều tiền, có em nhận được tới hàng tỷ đồng. Điều này đôi khi gây ra những hệ lụy không mong muốn.
Tôi biết một trường hợp, một em bé vừa mồ côi cha mẹ sau trận lũ, người ta lập tài khoản ngân hàng cho em, và rất nhiều người thương cảm đã đóng góp vào tài khoản đó. Cô giáo của em gọi điện cho tôi, chia sẻ rằng cô rất lo lắng, rằng việc em có quá nhiều tiền trong tài khoản sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của em. Cô sợ em sẽ mất tập trung vào việc học, hoặc thậm chí đi lạc hướng vì số tiền quá lớn này, như việc người ta trúng xổ số mà chưa có sự chuẩn bị về mặt tâm lý và trách nhiệm để sử dụng số tiền cho đúng đắn.
Chúng ta đều hiểu rằng trẻ em cần được phát triển toàn diện qua con đường học tập, để có nghề nghiệp và tương lai ổn định, chứ không nên dựa vào số tiền nhất thời mình có. Số tiền này, nếu không được quản lý cẩn thận, có thể làm hại các em, khiến các em không có động lực để học hành và phấn đấu. Đó là lý do tôi luôn suy nghĩ rất kỹ về cách cứu trợ cho các em nhỏ trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy. Cứu trợ không chỉ là trao tiền, mà còn phải trao cơ hội để các em phát triển, học hỏi và xây dựng cuộc sống tương lai ổn định!
“Công bằng” trong cứu trợ, theo tôi, không chỉ là chia sẻ vật chất một cách hợp lý mà còn là trao đi những giá trị tinh thần và cơ hội để người nhận được trợ giúp có thể tự vươn lên. Điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa những người tổ chức, giám sát và cộng đồng, đảm bảo rằng sự giúp đỡ đến đúng người, đúng nơi và đúng thời điểm, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững cho cuộc sống của họ.
Về bản thân những người cứu trợ, thầy có nghĩ để cứu trợ một cách hiệu quả, đúng người, đúng nơi, họ có cần xây dựng một cơ sở dữ liệu nhất định, hay tìm hiểu những thông tin cần thiết trước khi quyên góp, cứu trợ cho một địa phương hay không?
Khi thiên tai xảy ra, gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản, xã hội lập tức hướng tới hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng. Những tổ chức uy tín, có trách nhiệm, sẽ đứng ra làm “đầu mối” để tiếp nhận quyên góp và phân phối nguồn cứu trợ một cách hợp lý, đến đúng người, đúng nơi cần thiết.
Một ví dụ điển hình là Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Họ đã thành lập một quỹ lâu dài có tên Quỹ xóa đói giảm nghèo, và trước mắt, trong những tình huống khẩn cấp như cơn bão số 3 Yagi hay ảnh hưởng của hoàn lưu bão, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhanh chóng tạo lập một tài khoản để tiếp nhận đóng góp cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào bị ảnh hưởng. Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, việc minh bạch hóa các quỹ này dễ dàng hơn nhờ công bố sao kê công khai. Điều này giúp mọi người thấy rõ số tiền đóng góp từ đâu đến, và số tiền đó đã được phân phối đi đâu, làm gì.
Tất nhiên, sự minh bạch này nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Có người hoan nghênh vì sự rõ ràng trong công tác từ thiện, nhưng cũng có người lo ngại về việc lộ thông tin cá nhân. Theo tôi, cái lợi của minh bạch nhiều hơn cái mất, vì nó tạo dựng niềm tin trong xã hội, và bản thân tôi rất ủng hộ cách làm này của Trung ương Mặt trận Tổ quốc. Bước đầu là tiếp nhận quyên góp, nhưng bước tiếp theo quan trọng không kém là công bố minh bạch dòng tiền đó đi đâu, đến với ai, và hỗ trợ như thế nào. Điều này giúp đảm bảo rằng nguồn tiền được sử dụng đúng mục đích, giúp những người bị ảnh hưởng thực sự. Tương tự, các cá nhân nổi tiếng như ca sĩ, nghệ sĩ cũng cần rút kinh nghiệm từ những bài học trước để thận trọng hơn trong việc tiếp nhận và phân phối nguồn cứu trợ, tránh những điều thị phi không đáng có.
Hiện nay có rất nhiều tổ chức và cá nhân tham gia vào công tác cứu trợ, mỗi người có cách làm khác nhau nhưng nhìn chung đều có tinh thần tích cực, nhân văn. Tuy nhiên, cũng như mọi việc trong cuộc sống, không tránh khỏi có những trường hợp tiêu cực hoặc làm chưa đúng, nhưng theo tôi, đó chỉ là số ít. Chúng ta phải chấp nhận rằng không có gì hoàn hảo, miễn là phần lớn hoạt động cứu trợ đạt được mục tiêu giúp đỡ đồng bào thoát khỏi tình trạng khó khăn trước mắt, và hướng tới ổn định cuộc sống lâu dài.
Tôi rất vui mừng khi thấy có những tập đoàn cam kết hoàn thành khu tạm cư cho bà con ở Làng Nủ chỉ trong vòng 10 ngày, và thực tế họ đã làm xong chỉ sau 1 tuần. Điều này chứng minh sự phối hợp hiệu quả giữa các bên tham gia cứu trợ. Tôi cũng rất phấn khởi khi biết rằng Quỹ Tấm lòng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam đã hứa sẽ hoàn thành khu tái định cư lâu dài cho bà con Làng Nủ trước ngày 31/12/2024, đảm bảo an toàn và mang lại nhiều tiện ích hơn trước. Đó là những hành động thiết thực, có ý nghĩa, giúp người dân không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn xây dựng lại cuộc sống vững chắc, bền vững hơn.
Nhiều người cho rằng, việc cứu trợ là sự sẻ chia từ trái tim đến trái tim, nhưng bên cạnh đó, việc làm sao để cứu trợ cho “hiệu quả” cũng rất quan trọng. Hiện nay, có hai hình thức cứu trợ phổ biến: Thứ nhất là cứu trợ tự phát và trực tiếp đưa hàng cứu trợ đến “trao tận tay” cho các nạn nhân; Thứ hai là thông qua “đầu mối” là những tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, hay Công đoàn các cấp. Thầy có thể chia sẻ quan điểm và đánh giá của mình về hai hình thức cứu trợ này?
Tôi nghĩ rằng không chỉ hai cách cứu trợ đó mà còn nhiều cách khác nữa, và tất cả đều tốt. Vì mục tiêu cuối cùng của mỗi hành động cứu trợ đều là giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn trong những lúc cấp bách nhất. Tuy nhiên, về hiệu quả thì mỗi cách sẽ có sự khác biệt nhất định.
Ví dụ, cách mà tôi và Trường Marie Curie làm từ nhiều năm qua, không chỉ riêng lần này, có chút khác biệt. Tôi là một người thầy giáo, và đối với tôi, ngoài việc cứu trợ giúp đồng bào ổn định cuộc sống sau thiên tai, tôi còn có một trách nhiệm quan trọng khác, đó là giáo dục học sinh. Qua việc làm gương cho các em, tôi muốn học trò của mình, cũng như con cháu mình, noi theo.
Cứu trợ, với tôi, không chỉ dừng lại ở việc đưa ra sự hỗ trợ vật chất mà còn phải trở thành bài học sống động cho học sinh. Tôi muốn các em không chỉ thấy những khó khăn của người khác mà còn hiểu được giá trị của việc chia sẻ, trách nhiệm xã hội, và tinh thần nhân ái. Mỗi hành động cứu trợ của chúng tôi không chỉ mang lại sự an sinh cho người gặp khó khăn mà còn hướng tới giáo dục chính học sinh của mình. Ở Trường Marie Curie, khi chúng tôi làm từ thiện, luôn đặt ra hai mục tiêu: an sinh xã hội và giáo dục học sinh. Các em học sinh sẽ học được những bài học lớn từ những việc làm nhỏ, hiểu rằng cuộc sống không chỉ là của riêng mình, mà còn là sự đồng cảm và sẻ chia với cộng đồng. Chính vì vậy, tôi tin rằng mỗi cách cứu trợ đều có giá trị riêng, và điều quan trọng là chúng ta phải luôn hướng tới những mục tiêu cao cả nhất trong từng hành động.
Xin cảm ơn những chia sẻ rất ý nghĩa của Thầy Nguyễn Xuân Khang!