"Làm màu" khi chuyển khoản từ thiện sẽ bị xử phạt như thế nào?
Thưa luật sư Đặng Văn Cường, sau cơn bão số 3 vừa qua, với những ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề tại thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc, hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Việt Nam, đã có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước đã đăng ký và ủng hộ thông qua Ban Vận động Cứu trợ Trung ương. Tuy nhiên, câu chuyện bắt đầu trở nên lùm xùm và nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa công khai tập tin sao kê tài khoản ngân hàng. Trước việc một số người nổi tiếng, tổ chức cũng như cá nhân bị tố cáo thiếu minh bạch trong giải ngân tiền từ thiện quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt, ông nhận định và có quan điểm thế nào về vấn đề này?
Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện tình trạng gian lận và trục lợi trong hoạt động từ thiện, đặc biệt là hiện tượng mới mà chưa từng thấy trước đây. Một số cá nhân nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội, đã công khai thông tin về việc ủng hộ tiền cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai sao kê. Các cá nhân này đã sử dụng hóa đơn chuyển tiền để tuyên bố rằng họ đã ủng hộ một số tiền lớn vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc.
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp |
Theo Nghị định 93 năm 2021 của Chính phủ về việc công khai, minh bạch trong hoạt động từ thiện, Mặt trận Tổ quốc đã công bố sao kê về các khoản tiền đã nhận được. Khi nhiều người kiểm tra lại những thông tin này, họ đã bàng hoàng, bất bình và bức xúc khi phát hiện có dấu hiệu giả mạo thông tin, cũng như đưa thông tin sai sự thật. Thậm chí, một số trường hợp còn cho thấy có dấu hiệu trục lợi từ thiện. Mặc dù những hành vi này chỉ là thiểu số, nhưng chúng không chỉ không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn có thể vi phạm pháp luật.
Do đó, bên cạnh việc ghi nhận, khen ngợi và khích lệ những tấm lòng nhân ái, chúng ta cũng cần phải lên án, thậm chí xử lý theo pháp luật đối với những cá nhân lợi dụng thiên tai, dịch bệnh và những khó khăn của người dân để trục lợi và đánh bóng tên tuổi cá nhân. Cần đảm bảo tính công bằng trong xã hội, ai có công thì khen thưởng, ai có hành vi lệch chuẩn thì xã hội phải có tiếng nói, lên án trước những hành động như vậy.
Thưa luật sư, bên cạnh việc nhiều tổ chức, cá nhân bị “tố” là "làm màu", thậm chí lừa dối, công khai số tiền ủng hộ lên trang cá nhân ko đúng với số tiền thật đã ủng hộ. Vậy theo ông vấn đề chuyển khoản ủng hộ bão lũ nhưng cá nhân lại sửa biên lai chuyển khoản ngân hàng số lên nhiều lần để đăng lên mạng xã hội liệu có vi phạm pháp luật và nếu có, sẽ có những chế tài xử lý như thế nào?
Hành vi cung cấp thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý hành chính. Dưới góc độ pháp lý, hành vi này, bao gồm cả việc sửa đổi hóa đơn và đăng tải trên mạng xã hội, được xác định là vi phạm pháp luật. Cụ thể, đây là vi phạm Luật An ninh mạng và Điều 5 của Nghị định số 93 năm 2021 của Chính phủ liên quan đến hoạt động từ thiện nhằm cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Những hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật và người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trách nhiệm pháp lý có thể bao gồm hình thức kỷ luật, xử phạt hành chính, hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đối với hành vi sửa đổi hóa đơn, mức phạt hành chính là điều chắc chắn, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, nếu một cá nhân được ủy quyền bởi một tổ chức để nộp tiền vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc nhưng lại chiếm dụng số tiền đó và làm giả hóa đơn để chứng minh rằng họ đã nộp, đó là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Nếu số tiền chiếm đoạt từ bốn triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; tội danh tham ô từ hai triệu đồng trở lên cũng sẽ bị xử lý hình sự, với hình phạt nặng nhất có thể lên đến tử hình.
Ngoài ra, nếu một cá nhân lợi dụng sự ủy quyền của nhiều người để nhận tiền nhưng không nộp đủ số tiền, làm giả giấy tờ thông báo đã nộp, thì người đó cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự. Hình phạt cho hành vi này có thể từ cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, hình phạt có thể tăng lên từ 12 năm đến 20 năm tù giam.
Còn trong trường hợp một cá nhân lợi dụng hình ảnh cá nhân hoặc các nguyên nhân khác để đưa ra thông tin sai sự thật nhằm thu hút người khác chuyển tiền cho họ, mà không nộp vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay không hỗ trợ đồng bào đang gặp khó khăn, thì người này có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174.
Tóm lại, tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể và mục đích chiếm đoạt, những cá nhân gian dối lợi dụng từ thiện để trục lợi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với những cá nhân chỉ đóng góp một khoản tiền rất nhỏ hoặc không đóng nhưng lại làm giả hóa đơn chuyển tiền và công khai trên mạng xã hội, điều này được coi là thông tin sai sự thật. Khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai sao kê, sẽ có đủ dữ liệu để chứng minh hành vi vi phạm. Những thông tin sai sự thật như vậy sẽ bị phạt hành chính với mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, theo quy định tại Điều 101 của Nghị định số 15 năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông. Nếu tổ chức có hành vi đưa ra thông tin sai sự thật về số tiền từ thiện, mức phạt có thể từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, còn cá nhân thì bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Mức phạt phổ biến thường rơi vào khoảng 7.500.000 đồng.
Thưa luật sư, vậy làm từ thiện như thế nào mới đúng luật? Vai trò của mỗi tổ chức, cá nhân; của doanh nghiệp hay mỗi người dân như thế nào khi tham gia hoạt động từ thiện, đặc biệt là vấn để chuyển khoản ủng hộ thiện nguyện?
Trước đây, hoạt động từ thiện được thực hiện theo quy định tại Nghị định 64 năm 2008 của Chính phủ. Tuy nhiên, sau đợt lũ lụt ở miền Trung vào năm 2020-2021, nhiều cá nhân đã đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện, dẫn đến nghi ngờ và mâu thuẫn trong cộng đồng. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93 năm 2021, quy định cụ thể về các chủ thể được phép kêu gọi và tiếp nhận từ thiện.
Nghị định này quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục, công khai minh bạch, thời gian và thời hạn. Những người có của có thể tham gia từ thiện theo hai cách: Thứ nhất, trực tiếp mang đến; Thứ hai, ủy quyền cho tổ chức hoặc cá nhân khác. Đối với tiền mặt, có thể chuyển khoản qua tổ chức Nhà nước, bao gồm các quỹ từ thiện, quỹ xã hội, hoặc cá nhân kêu gọi quyên góp theo Nghị định số 93. Nếu cá nhân tham gia, họ phải công khai số tài khoản riêng chỉ sử dụng cho mục đích từ thiện, thông báo thời gian mở và đóng tài khoản, cũng như công khai số tiền trong tài khoản và thời gian giải ngân. Họ cũng phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú và nơi thực hiện từ thiện, tuân thủ các quy định từ Điều 17 đến Điều 21 của Nghị định 93.
Nếu chúng ta chỉ là người góp tiền, chúng ta cần tin tưởng vào tổ chức kêu gọi quyên góp và ủy quyền cho họ thực hiện công tác từ thiện. Nếu không có tiền hoặc của cải, chúng ta có thể đứng ra kêu gọi người khác góp tiền vào tài khoản của mình. Tuy nhiên, việc này cũng phải tuân thủ Nghị định số 93, bao gồm đăng ký, công khai và minh bạch trong thu chi tài chính.
Thực hiện từ thiện không đúng quy định có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, đặc biệt là khi người đứng ra kêu gọi tiếp nhận, quản lý và phân phát không thực hiện đúng nghĩa vụ, dẫn đến hàng hóa hư hỏng hoặc không đến đúng đối tượng, thời điểm. Từ thiện thành công cần đảm bảo đúng đối tượng và thời điểm, vì nếu hàng hóa không đúng lúc hoặc không cần thiết, sẽ không phát huy được giá trị. Ví dụ, nếu thực phẩm được phát sau khi lũ đã rút, người dân không còn cần đến, hoặc nếu hàng hóa không đến nơi bị ảnh hưởng, sẽ trở nên vô nghĩa.
Do đó, để thực hiện từ thiện hiệu quả, cần có kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ với địa phương và đạt được mục tiêu đúng đối tượng, đúng thời điểm.
Thưa ông, sửa biên lai chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội "làm màu" là vi phạm đạo đức, pháp luật. Vậy Ủy ban Trung ương Mặt trận Việt Nam cần phải làm gì để đảm bảo hoạt động từ thiện được diễn ra một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, giảm bớt những nghi ngờ, tiêu cực, những vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động từ thiện?
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đoàn kết của cộng đồng và các tầng lớp trong xã hội. Đây là nơi tiếp nhận các hoạt động từ thiện, bao gồm cả hàng hóa và quà tặng, thông qua các tổ chức như Hội Chữ thập đỏ. Trước đây, Mặt trận Tổ quốc thường thực hiện nhiệm vụ này nhưng chưa từng công khai sao kê.
Lần này, việc công khai sao kê được thực hiện dựa trên quy định của Nghị định 93, yêu cầu sự minh bạch và công khai. Đây là lần đầu tiên Mặt trận Tổ quốc công bố thông tin lên mạng xã hội, điều này không chỉ giúp làm sáng tỏ các hoạt động từ thiện mà còn phát hiện ra những gian dối, giả mạo. Để giảm thiểu những hiện tượng ‘phông bạt, ‘làm màu’ này, công tác tuyên truyền trở nên rất quan trọng.
Ngoài việc kêu gọi, Mặt trận Tổ quốc cũng cần tuyên truyền để người dân nên trung thực. Việc khai báo không đúng có thể gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc thống kê và lập kế hoạch chi tiêu, đồng thời gây ra sự nghi ngờ trong cộng đồng về tính minh bạch của các tổ chức tiếp nhận. Do đó, các đơn vị, tổ chức, cá nhân kêu gọi, tiếp nhận và phân phát hàng hóa từ thiện theo Nghị định 93 phải có trách nhiệm hướng dẫn người nộp về cách thức, thông tin cụ thể liên quan đến việc nộp.
Việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai sao kê liên tục sẽ tạo áp lực lên những ai có ý định không trung thực trong việc quản lý từ thiện. Hơn nữa, những cá nhân có tấm lòng từ thiện thực sự không cần phải công khai danh tính. Họ có thể ẩn danh hoặc đề nghị cơ quan tiếp nhận giữ kín thông tin cá nhân. Trong trường hợp này, cơ quan tiếp nhận có thể đảm bảo thông tin của người ủng hộ được bảo mật trong các báo cáo công khai. Đây là một quy trình bình thường và hợp lý để bảo vệ quyền riêng tư của các nhà hảo tâm.