Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 18/09/2024 18:12
PV: Thưa nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, trong thời gian gần đây, mạng xã hội cũng như báo chí đều đăng tải những câu chuyện về một Hottrend của giới trẻ cũng như nhiều người dân Việt Nam về việc sơn lá quốc kỳ dân tộc lên mái nhà hay cánh cửa. Với nhiều người, điều này thể hiện cho lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, trước khi bàn sâu hơn về câu chuyện này, xin ông có thể chia sẻ đôi chút quan điểm của ông về việc: “Thế nào là lòng yêu nước?”
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương quan điểm về trào lưu vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà |
Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: Có một điều khi sử dụng Quốc kỳ thì phải theo các quy định của pháp luật. Với việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc ca thì Hiến pháp năm 2013 quy định: Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
Thứ hai, khi sử dụng Quốc kỳ thì có rất nhiều quy định, theo văn bản của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch năm 2012, hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL có quy định khi sử dụng Quốc kỳ như thời gian treo cờ như thế nào, treo ở đâu. Cho nên cái gì đã được hiến định rồi thì mọi công dân đều phải tuân thủ, ngay khi sử dụng lá cờ trong một lễ kỷ niệm, buổi mít tinh, trong ngày lễ thì sử dụng lá quốc kỳ như thế nào đã có quy định hết.
Tình yêu nước thì đương nhiên là ai cũng yêu nước, và nếu mà yêu nước một cách vừa chân thành, vừa có trách nhiệm nữa thì phải am hiểu các quy định của Nhà nước. Tôi nghĩ việc sơn cờ đỏ sao vàng trên nóc nhà thì tôi không đề nghị cấm chuyện đó. Đấy là quyền của mỗi người, nhưng chỉ có điều khi mình sơn lên thì liệu mình có tuân thủ kích thước mà hướng dẫn của Bộ Văn hóa đã đưa ra hay không? Hay là Hiến pháp đã quy định mình có thực hiện được hay không?
Ví dụ như màu đỏ phải là màu đỏ tươi, màu vàng của ngôi sao 5 cánh cũng phải là vàng tươi, nếu anh sơn ở trên nóc nhà mà anh không dùng một loại sơn đặc biệt, vài ba bữa nó xuống cấp thì anh có lên sơn lại không? Còn nếu để như thế thì không phải là tình yêu Tổ quốc nữa, hình ảnh lá cờ Tổ quốc bị ảnh hưởng, vì đó là biểu tượng của một quốc gia, nó thể hiện thể chế chính trị, cho nên những chuyện như thế thì không phải ai cũng hiểu.
Tôi nhớ là cách đây xấp xỉ 7 năm, một nữ họa sĩ ở Hà Nội, tên là Thuỷ, tôi không nhớ họ của chị ý, hình như Trần Thanh Thủy. Chị có nêu ý tưởng lên ngôi nhà lớn gần nhất ở đảo Trường Sa lớn, huyện đảo Trường Sa để sơn lá cờ Tổ quốc. Thế thì ý tưởng này được mọi người chấp nhận, thậm chí rất là ủng hộ. Có những người cũng đề nghị là phải dùng sơn gì nó được lâu, bởi vì ở nơi nắng gió Trường Sa, ngay cả không khí là muối mặt, làm sao để nó lâu bền. Và đương nhiên là khi nó bị phai màu đi chẳng hạn, thì cũng có nguồn dự trữ để mình sơn phủ lại.
Đi máy bay từ trên cao, mình nhìn thấy lá cờ của Tổ quốc kiêu hãnh, đi tàu thủy từ xa nhìn thấy lá cờ của Tổ quốc. Nhưng mà ở đây, lá cờ đặt ở quần đảo Trường Sa thiêng liêng của chúng ta, ở huyện đảo Trường Sa của quân dân ta, thì cái ý nghĩa của lá cờ, hình mà chúng ta sơn là rất cần thiết, thể hiện niềm kiêu hãnh, niềm tự hào mà người Việt Nam, đặc biệt là quân và dân huyện đảo Trường Sa. Hay ở một số nơi ở biên giới hải đảo chẳng hạn, nơi mà chúng ta thể hiện chủ quyền quốc gia để phân biệt giữa nước này với nước kia thì mình có thể làm điều đó.
Việc sơn vẽ không chỉ là kỹ thuật mà còn phải mang tính nghệ thuật. Nếu như mình làm điểm trước thì cũng có thể để. Nhưng nếu như nhà nào cũng sơn như thế thì tôi nghĩ cũng cần phải xem lại.
Thứ hai, nếu như anh sơn lên tôn, tôn thép, tôn nhôm thì anh đi lại cũng dễ, nhưng mà nếu anh sơn nhà ngói, dẫm làm hỏng ngói, thậm chí có một số hình ảnh là đưa lên mạng, người ta sơn thì người ta đứng trên cờ chụp ảnh thì rõ ràng điều đó không được, không thể hiện sự tôn nghiêm, đáng kể là tùy tiện.
Tôi tính ra số người like, số người comment cũng xấp xỉ khoảng 95% là người ta đồng tình. Có người đồng tình rất cao, cũng có một phần họ nói đây là quyền, đấy là lòng yêu nước, cao hơn là quyền yêu nước. Người công dân có quyền làm điều gì mà pháp luật không cấm thì tôi cũng đồng ý thôi, tôi không phản đối điều đó. Nhưng mà có một điều, yêu nước không phải cứ nói ra miệng là tôi yêu nước. Yêu nước là mình làm việc gì tốt, mình giúp đỡ người nghèo, mình làm công việc của mình thật tốt, rồi vận động đồng nghiệp của mình, bà con khu dân cư của mình bảo vệ cuộc sống xanh sạch đẹp chẳng hạn. Đấy cũng là tình yêu Tổ quốc.
Nhà thơ Chế Lan Viên có mấy câu thơ: “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...” Tức là yêu Tổ quốc bằng điều giản dị và khi mà Tổ quốc cần phải xả thân, phải hy sinh thân mình thì mình sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc.
Đấy là tình yêu Tổ quốc thiêng liêng và can đảm. Như vậy thì tình yêu Tổ quốc không cần phải nói ra đầu miệng, không phải nói đầu môi chót lưỡi. Không cần phải như thế, ở trong tim của mình, mình vẫn luôn ý thức được.
Thứ hai nữa là khi mà đã sử dụng cái lá cờ thì nó phải theo quy định không thể tuỳ tiện được. Tôi thấy có anh sơn mái nhà không phải là hình chữ nhật mà lại bị xiên xẹo. Thêm nữa là anh sơn tất cả bằng màu đỏ rồi đặt lá cờ lên thì rõ ràng nó không theo quy định của Luật. Người thực hiện phải suy nghĩ và tìm các văn bản để thực hiện đúng, chứ không có chuyện tôi yêu nước thì tôi sơn cờ ở bất cứ chỗ nào cũng yêu nước.
PV: Thưa nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, bắt nguồn từ trào lưu biến mái nhà thành lá cờ Tổ quốc của một TikToker ở tỉnh Vĩnh Phúc, việc vẽ và sơn cờ đỏ sao vàng lan rộng ra toàn quốc, sau đó có nhiều biến tấu. Trào lưu này góp phần thể hiện tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, đặc biệt khi ngày Quốc khánh mùng 2/9 đang cận kề. Theo ông, điều gì đã khiến trào lưu vẽ quốc kỳ lên mái nhà nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ như vậy từ cộng đồng, nhất là các bạn trẻ ạ?
Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: Tôi nghĩ là các bạn trẻ thể hiện tình yêu nước của mình bằng nhiều cách, ở nơi mà các bạn thấy vị trí đấy đẹp. Nhưng nếu như chúng ta sơn nhiều quá thì cũng cần phải xem xét lại. Bây giờ anh sơn lên nhanh, có tính đến sắp tới do điều kiện nhiệt độ thời tiết sau một thời gian thì hình lá cờ đỏ sao vàng bị bong tróc, anh có thường xuyên lên kiểm tra, sơn quét lại hay không, hay là anh cứ để nó bong tróc như thế. Chúng ta đang tính đến chuyện hiện nay mà chưa tính đến chuyện tháng sau, năm sau.
Giới trẻ đã có tình yêu Tổ quốc, nhưng chúng ta phải suy nghĩ lâu dài. Tôi cho rằng chúng ta nói vấn đề nghiêm túc và với thái độ trách nhiệm mình là người am hiểu về pháp luật, am hiểu về nghệ thuật, am hiểu những vấn đề báo chí đã đem ra. Mình không thể làm theo như kiểu phong trào được, mình không thể làm theo kệ được. Mình phải có suy nghĩ của mình, đấy là quan điểm của tôi.
PV: Thưa ông, ở góc độ người làm báo thì khi nhắc đến tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc thì ông có điều gì khuyến cáo về hiện tượng này đối với nhiều bạn trẻ?
Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: Như tôi đã nói, bằng nhiều cách và dù cách nào, khi đã tiếp cận với những vấn đề mang tính chất các quy định của pháp luật, thậm chí với việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca đã được Hiến định kiểm soát thì lại càng phải thận trọng hơn.
Những người hiểu biết cũng nên có sự góp ý, nhắc nhở cho những người chưa hiểu biết và để chọn cách làm nào nó phù hợp nhất. Tôi không dùng từ cấm đoán gì, nhưng mà thể hiện sự yêu nước, lòng yêu nước, tình yêu Tổ quốc như thế nào? Cũng không cần phải nói những điều thật cao cả, có khi làm một việc rất giản dị hơn. Chúng ta từ nhiều năm nay học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, mỗi việc làm tốt là một biểu hiện của lòng yêu nước.
Mình căm ghét cái xấu, cái ác cũng là biểu hiện của lòng yêu nước, mình sáng tác một bài báo, một bài thơ, một ca khúc ca ngợi về Tổ quốc, ca ngợi về chủ quyền biển đảo, đó là tình yêu Tổ quốc. Cho nên tình yêu Tổ quốc được thể hiện bằng rất nhiều hình thức, rất nhiều cung bậc khác nhau. Nhưng làm sao tình yêu Tổ quốc của một cá nhân, hay là một nhóm người phải phù hợp với mong muốn chung của mọi người.
PV: Thưa nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, trong bối cảnh pháp luật chưa quy định rõ ràng về việc sơn vẽ quốc kỳ trên các bề mặt khác nhau. Vậy theo ông cần có những biện pháp quản lý văn hóa như thế nào để tránh những biểu hiện không phù hợp?
Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: Ở đây có hai vấn đề: Một là từ phía công dân, kể cả những công dân nhỏ tuổi cũng cần phải tìm hiểu các quy định của pháp luật và những cái gì đã có rồi thì chúng ta phải tuân thủ. Về phía các cơ quan chức năng của Nhà nước, từ thực tiễn như vừa rồi thì bây giờ phải suy nghĩ. Cùng với những văn bản đã có thì bây giờ với những trường hợp cụ thể như thế này rõ ràng nó đã xuất hiện trong đời sống rồi. Bây giờ phải có quy định.
Tôi nghĩ một gia đình hay là vài ba gia đình sơn lá cờ Tổ quốc trên mái nhà thì điều đấy cũng bình thường. Nhưng cả một xóm thôn mà sơn như thế thì ngược lại chuyện mà tôi đã nói trước. Đến khi sơn hư hỏng, nó bong tróc, nó loang lổ thì anh xử lý thế nào? Cái đó phải quy định chứ, chứ bây giờ khi tôi sơn là tôi yêu Tổ quốc, nhưng đến bây giờ tôi không có tiền, tôi không có điều kiện để tôi sơn sửa lại, để cho tôi cái vấn đề như thế thì không được. Anh làm cho hình ảnh biểu tượng rất thiêng liêng bị vi phạm, tính thiêng bị mất đi, thế thì anh phải có trách nhiệm.
Cho nên các văn bản pháp luật hiện có không bao giờ bao quát được mọi vấn đề của đời sống, mà từ thực tiễn đời sống chúng ta mới đưa đời sống vào luật, có luật rồi thì đưa luật vào đời sống. Và quá trình đó là quá trình tiếp tục bồi đắp, xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho đời sống.