Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 08/10/2024 09:33
Xin kính chào quý vị và các bạn đang theo dõi “Trạm tin thị trường” của Báo Công Thương số ra ngày 4/7/2024. “Trạm tin thị trường” hôm nay gồm có những thông tin đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Công ty TNB 365 bị "bóc phốt" ngược vì quảng cáo sai quy định;
Lẫn lộn bánh cốm thật, giả: Làm sao để phân biệt?;
Cửa hàng tiện ích Mon's Mart tại Đà Lạt bán hàng nhập khẩu không nhãn phụ
Công ty TNB 365 bị "bóc phốt" ngược vì quảng cáo sai quy định
Vừa qua, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TNB 365 có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản phản ánh đến các cơ quan chức năng tại Hà Nội về hot tiktoker Chu Thanh Huyền – vợ cầu thủ Quang Hải quảng cáo sai sự thật về sản phẩm tinh nghệ Nano 365 Premium. Khi những nội dung tố cáo trên còn chưa được làm rõ thì mới đây, Báo Công Thương lại nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc Công ty TNB 365 quảng cáo sản phẩm Tinh Nghệ Nano 365 Premium có dấu hiệu sai quy định pháp luật.
Theo đó, tại đơn phản ánh, Công ty TNB 365 khẳng định là đơn vị nhập khẩu và phân phối sản phẩm là Tinh nghệ Nano 365 Premium có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Công ty đã tiến hành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hoá; đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá và đăng ký lưu hành sản phẩm tại các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TNB 365 có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản phản ánh đến các cơ quan chức năng tại Hà Nội về hot tiktoker Chu Thanh Huyền – vợ cầu thủ Quang Hải quảng cáo sai sự thật về sản phẩm tinh nghệ Nano 365 Premium |
Tuy nhiên, từ cuối năm 2023 đến nay, phía Công ty phát hiện trên thị trường có lưu hành các sản phẩm tương tự như sản phẩm Tinh nghệ Nano 365 Premium. Các sản phẩm này giả mạo bao bì, chất lượng sản phẩm Tinh Nghệ Nano 365 Premium mà Công ty đang phân phối. Trong số các cơ sở đang phân phối sản phẩm không rõ nguồn gốc này có Công ty TNHH Thương mại Hamin Bio do bà Chu Thanh Huyền – vợ cầu thủ Quang Hải làm đại diện pháp luật.
Khi những nội dung tố cáo trên còn chưa được làm rõ thì Công ty TNB 365 lại bị người tiêu dùng tố ngược khi quảng cáo sản phẩm Tinh Nghệ Nano 365 Premium có dấu hiệu sai quy định, tem nhãn phụ của sản phẩm không đầy đủ thông tin khiến cho người tiêu dùng hiểu lầm về công dụng của sản phẩm.
Cụ thể chị V.T.G ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, TP. Hà Nội cho biết, chị đã đặt mua 2 hộp sản phẩm Tinh Nghệ Nano 365 với giá 1,1 triệu đồng. Khi nhận sản phẩm thì tôi thấy phần tem nhãn phụ tiếng Việt nêu một số thông tin nhưng không hề ghi cụm từ: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”; “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Chính điều đó đã khiến tôi lầm tưởng sản phẩm như một loại thuốc và sử dụng.
Tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo Công Thương ghi nhận những nội dung mà độc giả phản ánh là có cơ sở. Khi nhãn phụ tiếng Việt dán trên sản phẩm không hề ghi những cụm từ nêu trên. Để làm rõ thêm thông tin về vấn đề này, phóng viên đã gọi điện đến số điện thoại được đăng ký trên website nano365.vn để hỏi thêm thông tin về sản phẩm thì nhận được câu trả lời của nhân viên tư vấn: “Sản phẩm Tinh Nghệ Nano 365 Premium là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung”. Việc ghi thông tin như trên đã vi phạm quy định đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Thiết nghĩ, những vấn đề trên liên quan trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Việc tem nhãn phụ tiếng Việt của sản phẩm không đầy đủ thông tin như trên sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm và có thể hiểu sai về sản phẩm. Đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra và làm rõ vấn đề nêu trên.
Bánh cốm thật, giả: Làm sao để phân biệt ?
Đa số người dân Hà Thành đều đã rất quen thuộc với sản phẩm bánh cốm Nguyên Ninh Hàng Than được đóng trong vỏ hộp giấy màu xanh, mặt màu đỏ in chữ vàng, phía trên cùng có Hán tự. Tuy nhiên trong những năm gần đây, trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều sản phẩm giả, kém chất lượng nhưng lại lấy hiệu Nguyên Ninh. Cùng Trạm tin thị trường hôm nay điểm qua các đặc điểm nhận diện hàng thật hàng giả của sản phẩm bánh cốm Nguyên Ninh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh hướng dẫn nhận diện phân biệt bánh cốm Nguyên Ninh thật và giả |
Đặc điểm đầu tiên để nhận diện bánh cốm Nguyên Ninh thật và giả đó là chữ Hán tự in trên bao bì sản phẩm.
Hán tự được in trên bao bì hộp bánh có hai chữ, mang ý nghĩa là Nguyên gốc làng Yên Ninh. Trong khi đó, trên sản phẩm giả, Hán tự là chữ Hỷ.
Đặc điểm nhận diện thứ hai là sử dụng phần mềm check mã vạch. Với sản phẩm bánh cốm Nguyên Ninh thật, người tiêu dùng có thể sử dụng ứng dụng Scancheck. Khi quét mã vạch, nếu là sản phẩm thật, mã vạch in trên sản phẩm sẽ trùng khớp với mã vạch trên ứng dụng và thông tin về sản phẩm sẽ được hiển thị chi tiết. Việc kiểm tra mã vạch được thực hiện thành công khi sản phẩm còn hạn sử dụng.
Đặc điểm nhận diện thứ ba là bao bì sản phẩm, bánh cốm Nguyên Ninh thật được đóng gói trong bao bì vỏ xanh. Một mặt màu đỏ, in chữ vàng. Mọi sản phẩm bánh cốm được bọc trong vỏ có màu vàng hay màu khác đều không phải là sản phẩm bánh cốm Nguyên Ninh chính hãng.
Cuối năm 2021, Cục Quản lý thị trường Hà Nam đã phối hợp kiểm tra, phát hiện gia đình bà Phạm Thị Hương và Quyền Đình Tới tại thôn 4, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý đang sản xuất số lượng lớn bánh cốm và bánh xu xê mang nhãn hiệu “Nguyên Ninh, số 11 Hàng Than – Hà Nội”. Sự việc đã được chuyển xử lý hình sự trong năm 2021.Với những đặc điểm nhận diện nêu trên, hi vọng người tiêu dùng sẽ có thêm kiến thức tránh mua phải những sản phẩm giả, kém chất lượng để bảo vệ người tiêu dùng.
Cửa hàng tiện ích Mon's Mart tại Đà Lạt bán hàng nhập khẩu không nhãn phụ
Cửa hàng tiện ích Mon's Mart địa chỉ 24 Khu Hòa Bình, phường 1, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có diện tích rộng khoảng 40m2, chuyên bày bán các mặt hàng tiêu nội, ngoại nhập như sản phẩm kem đánh răng, dầu gội đầu, nước hoa... bánh kẹo, đồ uống, rượu các loại...
Bên cạnh những sản phẩm nhập khẩu có dán tem nhãn phụ theo quy định pháp luật, thì nhiều sản phẩm hàng hóa nhập khẩu tại cửa hàng này không dán nhãn phụ theo quy định.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa có quy định như sau: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định về nội dung của nhãn phụ: Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.
Ngoài ra, còn nhiều quy định khác liên quan đến việc dán nhãn phụ mà các nhà nhập khẩu, phân phối hàng hóa nhập khẩu phải chú ý và thực hiện.