Trạm tin thị trường ngày 6/7: Cơ sở làm đẹp Americare Clinic, Louis Clinic cung cấp dịch vụ giảm béo không phép
Xin kính chào quý vị và các bạn đang theo dõi “Trạm tin thị trường” của Báo Công Thương số ra ngày 6/7/2024. “Trạm tin thị trường” hôm nay gồm có những thông tin đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Cơ sở làm đẹp Americare Clinic, LOUIS CLINIC cung cấp dịch vụ giảm béo không phép;
Phân biệt dầu gội đầu dạng gói thật và giả;
"Bún mắng, cháo chửi” tại Hà Nội: Nét văn hóa hay hành vi phản cảm?
Cơ sở làm đẹp Americare Clinic, Louis Clinic cung cấp dịch vụ giảm béo không phép
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều cơ sở thẩm mỹ viện đã cố tình “lấn sân” sang lĩnh vực y tế, công khai quảng cáo cung cấp dịch vụ giảm béo với những từ ngữ hoa mỹ, tâng bốc dịch vụ như: giảm béo thực hiện bằng phương pháp mới an toàn, không xâm lấn, không đau...
Công ty TNHH LOUIS CLINIC (có địa chỉ tại quận 3) được cấp phép hoạt động trong các lĩnh vực như phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa; dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khỏe nhưng lại quảng cáo “giảm béo công nghệ Hoa Kỳ chuẩn Y khoa với phương pháp không xâm lấn”... |
Cụ thể, theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Vũ Lâm Minh (tên thường gọi Americare Clinic - quận Phú Nhuận) được Sở Y tế thẩm định và cấp phép hoạt động Phòng khám chuyên khoa Da liễu. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, cơ sở này lại cung cấp dịch vụ giảm béo, sử dụng các thiết bị y tế của chuyên khoa Da liễu.
Hay như Công ty TNHH LOUIS CLINIC (có địa chỉ tại quận 3) được cấp phép hoạt động trong các lĩnh vực như phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa; dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, qua kiểm tra, dù chưa được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, nhưng lại quảng cáo “giảm béo công nghệ Hoa Kỳ chuẩn Y khoa với phương pháp không xâm lấn”...
Hoặc như Công ty TNHH ChungNam Korea (có địa chỉ tại quận 10) đăng ký ngành nghề bán buôn dược phẩm và dụng cụ y tế, nhưng cơ sở này lại đăng tải quảng cáo “Viện giảm mỡ công nghệ cao – an toàn – không phẫu thuật”... Qua kiểm tra, cơ sở này chưa được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh...
Qua các dấu hiệu vi phạm có tính trùng lặp giữa các cơ sở thẩm mỹ, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nhận định:
Đối với những cơ sở đã được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, bên cạnh đăng ký ngành nghề kinh doanh hoạt động phòng khám, các cơ sở này còn đăng ký ngành nghề chăm sóc da, massage (loại hình không cần được ngành Y tế thẩm định, cấp phép). Khả năng cao là các cơ sở này sử dụng phòng khám chuyên khoa Da liễu chủ yếu để hợp thức hóa việc sử dụng các máy Laser, máy nâng cơ RF trong điều trị các bệnh lý về da, nhưng sau đó sử dụng cho các loại hình dịch vụ “giảm béo bằng công nghệ cao”.
Trong khi đó, đối với các cơ sở chưa được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh thì sử dụng các máy móc Laser, máy nâng cơ RF để cung cấp dịch vụ giảm béo cho khách hàng, lấn sân trong lĩnh vực y tế.
Trong lĩnh vực y tế, đối với hoạt động giảm béo, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì” theo đó nguyên tắc điều trị chung là can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý, điều trị bằng thuốc, phối hợp nhiều chuyên khoa.
Tài liệu hướng dẫn chưa ghi nhận việc sử dụng các máy Laser, RF trong điều trị giảm béo. Do vậy, việc các cơ sở thẩm mỹ làm đẹp, quảng cáo cung cấp dịch vụ giảm béo bằng công nghệ cao, không xâm lấn là sai quy định so với pháp luật hiện hành.
"Bún mắng, cháo chửi” tại Hà Nội: Nét văn hóa hay hành vi phản cảm?
Không biết từ lúc nào, người Hà Nội biết đến những cái tên như “Bún chửi”, “Cháo quát” hay “Ốc lắm mồm”… Dân mê ẩm thực đường phố hay khách từ phương xa đến thường tìm cách ghé qua để “ thử một lần cho biết”. Song, câu chuyện về thái độ ứng xử của các chủ quán bún mắng, cháo chửi luôn được đưa ra bàn luận. Số ít người thì bảo “việc ai nấy làm”, “người ăn cứ ăn, người mắng cứ mắng”... còn phần đông thì cho rằng, nên loại bỏ khỏi văn hóa ứng xử, xét cả về khía cạnh thẩm mỹ lẫn đạo đức.
Cách đây mấy năm, khi kênh truyền hình CNN phát phóng sự về quán bún chửi ở phố Ngô Sĩ Liên - Hà Nội và người dẫn chương trình Anthony Bourdain khi đó gọi đây là “món ăn đặc sắc của Việt Nam”. Trong phóng sự người dẫn chương trình coi các câu quát, chửi khách và cách ăn nói của bà chủ quán là “cách giao tiếp suồng sã” và coi đó như một nét độc đáo, đặc sắc của món ăn Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
"Bún mắng, cháo chửi” tại Hà Nội: Nét văn hóa hay hành vi phản cảm? |
Không khó để thấy, sau khi chương trình được phát sóng đã nổ ra các luồng quan điểm xung đột với nhau như thế nào. Một bên thì tự hào vì quán bún chửi của Việt Nam được lên hẳn kênh tin tức thế giới CNN và được coi là “nét đặc sắc” của Hà Nội. Còn một bên bày tỏ sự lo lắng khi sự vô văn hóa mang tiếng xấu cho cả nền ẩm thực đường phố Việt Nam lại được ngợi ca.
Nhằm duy trì và củng cố nếp sống văn minh, thanh lịch của người Tràng An, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, quy tắc về thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng, trong đó có hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Nhưng có vẻ như những động thái này của chính quyền Hà Nội không tác động mấy đến các quán bún mắng cháo chửi trên đất Thủ đô. Bởi, dù các chủ quán sau nhiều lần bị chỉ trích, dù đã hứa sẽ kiềm chế, thay đổi và sửa chữa nhưng trên thực tế “nét đặc sắc” này vẫn vậy. Các chủ quán vẫn cứ chửi, các “thượng đế” vẫn vừa nghe vừa ăn, “thượng đế” nào không nghe được thì xin mời đi nơi khác.
Ngành du lịch Hà Nội đang xây dựng văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc đậm chất Hà thành, thu hút khách du lịch đến với thủ đô. Theo đó, ẩm thực Hà Nội không đơn thuần là những món ngon mà từ lâu người ta thường coi là tinh hoa đất kinh kỳ, chứa đựng chiều dài văn hóa, sự khéo léo và tinh tế của người Hà Nội. Muốn vậy, dứt khoát phải nói không với kiểu "bún mắng, cháo chửi" để kiểu kinh doanh, dịch vụ thiếu văn minh, lịch sự này không còn tồn tại ở thủ đô.
Phân biệt dầu gội đầu dạng gói thật và giả
Dầu gội đầu là sản phẩm quen thuộc và gần như không thể thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, hiện nay dầu gội đầu đang bị làm giả và bán tràn lan. Thời gian qua, các lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra, triệt xóa nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh dầu gội giả, kém chất lượng.
Dầu gội đầu giả không những không giúp làm sạch tóc, mà còn chứa các chất độc vô cùng có hại có sức khỏe.
Để giúp người tiêu dùng phân biệt, nhận diện các sản phẩm thật giả đối với sản phẩm dầu gội đầu dove dạng gói, đại diện Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã chỉ ra các đặc điểm giúp người tiêu dùng dễ nhận diện:
Đặc điểm thứ nhất, về ngoại quan bao bì sản phẩm: Trên vỏ sản phẩm dầu gội đầu/dầu xả Dove loại 6g in rõ về hạn sử dụng: hạn sử dụng dập 8 ký tự gồm hạn sử dụng và số lô sản xuất không thay đổi theo ngày và nhãn hiệu.
Trên sản phẩm giả, số lô sản xuất và hạn sử dụng thay đổi theo ngày và nhãn hiệu.
Đặc điểm nhận diện thứ hai về vết cắt sẵn bên hông gói: Trên sản phẩm thật không có vết cắt. Trên sản phẩm giả có vết cắt bên hông gói.
Các sản phẩm nhãn hiệu DOVE có giấy xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam số 520087, ngày đăng ký 6/1/1988 có hiệu lực đến 6/1/2028.