Luật Điện lực (sửa đổi) nêu rõ các quy định tháo gỡ vướng mắc trong phát triển điện vùng sâu, vùng xa
Hiện nay, chính sách phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn đang gặp những khó khăn nhất định. Vướng mắc cơ bản tập trung chủ yếu về pháp lý, khi Luật Điện lực năm 2004 không còn phù hợp với Luật đầu tư công 2019, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng 2014… để huy động các nguồn lực đầu tư và các chính sách hỗ trợ theo các quy định về chuẩn nghèo đa chiều, hỗ trợ thiên tai, đối tượng yếu thế,...
Trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã đưa ra được các giải pháp để tháo gỡ. |
Theo đó, Luật Điện lực sửa đổi đã bảo đảm nguyên tắc tính kế thừa và phù hợp các luật hiện hành: Đảm bảo mang tính Kế thừa các chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo tại Điều 61 Luật Điện lực 2004, để làm cơ sở hiệu chỉnh, bổ sung nhưng phải phù hợp với Luật đầu tư công 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Xây dựng 2014 … định hướng bảo đảm cung cấp 100% các hộ dân khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được sử dụng điện an toàn, thường xuyên và tin cậy. Là khu vực đầu tư an sinh xã hội, nên cần có chính sách cụ thể về huy động tối đa đầu tư nguồn năng lượng sơ cấp để bổ sung nguồn phân tán cho hệ thống lưới điện quốc gia phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh - quốc phòng, giảm tổn thất truyền tải điện.
Bảo đảm tính minh bạch về sự hỗ trợ: Xác định rõ mức độ hỗ trợ theo các đối tượng được hỗ trợ theo quy định về chuẩn nghèo đa chiều, đối tượng yếu thế và do thiên tai.
So với Luật Điện lực cũ, thì Luật Điện lực Sửa đổi đã có những quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn trong việc hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong phát triển điện lực.