Luật Điện lực (sửa đổi) có thêm nhiều điều khoản mới để thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh
Để thúc đẩy hơn nữa việc triển khai và hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt là cấp độ bán lẻ điện cạnh tranh, tại Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này, Bộ Công Thương đã tập trung sửa đổi nội dung theo hướng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thị trường điện thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các cơ chế mua bán điện mới, xu hướng tiêu thụ điện “sạch” của khách hàng, cụ thể:
Tại Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này, Bộ Công Thương đã tập trung sửa đổi nội dung theo hướng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thị trường điện thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các cơ chế mua bán điện mới, xu hướng tiêu thụ điện “sạch” của khách hàng. |
- Bổ sung quy định về nguyên tắc tái cơ cấu, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực điện lực;
- Bổ sung quy định về hợp đồng kỳ hạn điện áp dụng trong thị trường điện, đây là cơ chế để quản lý rủi ro cho các đơn vị tham gia thị trường;
- Bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện, do Luật Điện lực hiện hành chưa có quy định cụ thể về nội dung này;
- Bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan đến cơ chế giá điện để thúc đẩy hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
- Bổ sung quy định về tạm ngừng, khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay, trong các trường hợp (thiên tai, chiến tranh, mất cân bằng cung - cầu hệ thống điện) và thẩm quyền của Bộ Công Thương trong việc tạm ngừng, khôi phục lại hoạt động của thị trường điện giao ngay;
- Bổ sung quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc, hoạt động, trình tự tham gia của cơ chế này, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng sử dụng điện lớn có mong muốn mua điện xanh, sạch.
Một trong những mối quan tâm khi sửa đổi Luật Điện lực là việc bổ sung thủ tục hành chính có thể tạo thêm gánh nặng cho địa phương. Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật, việc gia tăng thủ tục hành chính là cần thiết để phân chia cụ thể các hình thức cấp phép cho từng lĩnh vực. Mục tiêu là áp dụng các điều kiện phù hợp với thực tế, giúp đơn giản hóa việc xét duyệt và thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động điện lực.
Việc bổ sung 29 thủ tục hành chính mới, trong đó có 12 thủ tục cấp địa phương và 17 thủ tục cấp trung ương, không tạo ra thêm gánh nặng xét duyệt cho các cơ quan quản lý. Thay vào đó, các thủ tục này chỉ là phân loại rõ ràng hơn, giúp nâng cao chất lượng kiểm soát và cải cách thủ tục hành chính. Điều này giúp tối ưu hóa quy trình cấp giấy phép, đặc biệt là trong các lĩnh vực phát điện, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện.