Xây dựng vùng nguyên liệu nông - lâm sản đạt chuẩn: Gia tăng giá trị nông sản Việt
Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông - lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025, đã đi được chặng đường 2 năm và bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để các địa phương tiếp tục triển khai những giải pháp đồng bộ, nhằm tận dụng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng nguyên liệu; gia tăng giá trị phục vụ cho thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về phát triển nông nghiệp nhiệt đới. Nông sản Việt Nam hiện có mặt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… Tuy nhiên so với tiềm năng thì năng lực cạnh tranh và vị thế của nông nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Một trong những nguyên nhân được giới chuyên gia chỉ ra là chưa hình thành được vùng nguyên liệu gắn với liên kết phục vụ chế biến, tiêu thụ với doanh nghiệp, nên thời gian qua, việc triển khai các chính sách của Nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp bị hạn chế; hiệu quả sản xuất chưa cao, trong khi rủi ro, lãng phí sản xuất cũng như tổn thất sau thu hoạch còn lớn, khiến thu nhập của người nông dân còn thấp.
Xuất phát từ những tồn tại thực tế trên, nhằm khắc phục hạn chế trong việc phát triển các vùng nguyên liệu; đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng lớn… qua đó, tạo động lực, khơi dậy được tiềm năng phát triển cho các địa phương để có thể mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới thành công…, tháng 3/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức triển khai Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông - lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025. Đề án được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh, bao gồm: Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang và An Giang.