Ngành Công Thương: Đảm bảo an toàn thực phẩm trước dịp lễ, Tết
Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương. Tạo được sự chuyển biến rõ rệt, bước đầu đạt được những thành tích quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với hệ thống quốc tế và yêu cầu hội nhập.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin, khẩn trương thống nhất phương án triển khai đáp ứng các quy định, ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện hoạt động tuyên truyền, giải đáp.
Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường… tăng cường công tác kiểm tra giám sát, trong đó phải kể đến các dịp Tết Trung Thu, các ngày lễ lớn của đất nước, Tết nguyên đán… |
Bên cạnh công tác hậu kiểm thì trước các dịp lễ, tết công tác kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biên thực phẩm cũng đã được Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường… tăng cường công tác kiểm tra giám sát, trong đó phải kể đến các dịp Tết Trung Thu, các ngày lễ lớn của đất nước, Tết Nguyên đán…
Thành phố Hà Nội là địa phương có dân số đứng thứ hai trên toàn quốc, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm rất lớn và luôn biến động, nhu cầu về thực phẩm trung bình hằng năm cao. Trong những năm qua ngành Công Thương Hà Nội đã không ngừng nâng cao công tác quản lý nhà nước về ATTP, qua đó góp phần giảm thiểu tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân và đặc biệt là trẻ em, kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường…
Bên cạnh công tác tham mưu, ban hành các văn bản chính sách về quản lý an toàn thực phẩm theo chức năng nhiệm vụ được phân công trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Công Thương đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực Công Thương cho các nhóm đối tượng là cán bộ quản lý ATTP, chủ doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương, người tiêu dùng thực phẩm. Từ đó, từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP, phòng ngừa, ngăn chặn sản phẩm không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường.
Qua công tác tuyên truyền, giám sát, kiểm tra, hậu kiểm, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng cao. Các doanh nghiệp đã ngày càng chủ động trong việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực qua đó chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng không chỉ thị trường trong nước mà còn hướng đến các thị trường khó tính như: châu Âu, các nước hồi giáo…
Chia sẻ về công tác đảm bảo các tiêu chuẩn và quy định về an toàn thực phẩm cũng như kiểm soát tốt toàn bộ chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất cho đến khi sản phẩm được sản xuất và đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường.
Từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực phối hợp với Sở Y tế - cơ quan thường trực về ATTP Thành phố và các sở, ngành đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố ban hành quy định về phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội cho phù hợp với các quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đối với chất lượng thực phẩm lĩnh vực Công Thương qua nhiều hình thức, góp phần tạo bước chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong công tác đảm bảo ATTP.
Từ nay đến cuối năm 2024, ngành Công Thương Thủ đô sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về ATTP, đặc biệt đối với dịp Tết Nguyên đán 2025. Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu, kết nối cung - cầu các sản phẩm thực phẩm an toàn từ các vùng sản xuất an toàn của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối của thành phố để vừa đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân, đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực Công Thương, trong đó chú trọng nguồn gốc xuất xứ, nhãn hãng hóa, chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.
Để công tác chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, công tác tuyên truyền, kiểm tra, hậu kiểm tại các địa phương đã được Bộ Công Thương chủ động triển khai thực hiện. Ngay trong đầu tháng 5/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do Bộ Công Thương chủ trì đã đi kiểm tra tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, qua công tác kiểm tra đã giúp cơ quan quản lý tại địa phương và doanh nghiệp nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về ATTP, từ đó góp phần kiểm soát chất lượng các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Có thể khẳng định, thời gian qua công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương đã được thực hiện nghiêm túc, Bộ công thương cũng đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, cơ quan quản lý nhà nước của ngành Công Thương địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu và dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.
Thời gian tới bên cạnh việc đẩy mạnh công tác hậu kiểm, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới.