Xuất khẩu dệt may tăng tốc những tháng cuối năm
Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang bước vào giai đoạn đẩy nhanh hoạt động sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu để hoàn thành kế hoạch xuất khẩu cả năm 44 tỷ USD.
Thời gian gần đây, biến động trong nước đã kéo năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh tạm thời giảm sút. Một số khách hàng đang xem xét chuyển dịch đơn hàng ra ngoài Bangladesh, có thể khoảng 10% đơn đặt hàng xuất khẩu của nước này sẽ thay đổi.
Hiện, ngành dệt may đang bước vào mùa cao điểm sản xuất hàng cho mùa đông. Một số doanh nghiệp cho rằng Việt Nam đang có một số lợi thế khi ngành dệt may Bangladesh gặp khó khăn do các cuộc đình công liên tục xảy ra.
Ông Phạm Quang Anh – Giám đốc công ty sản xuất may mặc DONY.
“Ngay ngày hôm qua, tôi mới tiếp một đoàn khách đến từ Anh, họ hiện tại đang đặt hàng tại Bangladesh. Nhưng với những biến động vừa rồi họ đang tìm kiếm một đối tác khác để thay thế, và Việt Nam là một trong những quốc gia mà họ tìm đến. Và hiện tại họ vẫn đang trong giai đoạn thăm dò, nhưng qua tiếp xúc tôi nhận thấy họ có mong muốn khá lớn trong việc di chuyển ra khỏi Bangladesh và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam".
Ngoài yếu tố trên, các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành dệt may đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU đã phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm nay, với tổng kim ngạch đạt hơn 1,9 tỷ USD. Thị trường Hà Lan ghi nhận mức phục hồi 19,97%, xuất khẩu sang Cộng hòa Séc tăng mạnh 48,98%...
|
Một yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu dệt may là tình hình lạm phát tại các nền kinh tế lớn đang được kiểm soát tốt, góp phần tăng cường sức mua của người tiêu dùng. Phần lớn các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có đủ đơn hàng để sản xuất đến hết quý IV/2024, bao gồm cả mùa cao điểm cho mùa Giáng sinh và Tết dương lịch.
Bà Lê Nguyên Trang Nhã - Giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam
“Hiện tại thị trường của Viking Việt Nam bao gồm 3 thị trường chính. Thứ nhất là thị trường xuất khẩu qua thị trường châu Âu chiếm khoảng 54%, xuất qua thị trường Anh chiếm gần 25%, phần còn lại thì hầu như hàng hóa xuất qua thị trường Nhật. Tỷ lệ các đơn hàng hiện tại đều đang gia tăng ở các thị trường này. Với Viking năm nay đơn hàng gia tăng, nên bên cạnh câu chuyện giữ nguyên lực lượng lao động ổn định thì mình phải tăng cường thêm khoảng 10% lao động so với cùng kỳ năm ngoái”.
Ông Phạm Văn Việt – Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh
“Hiện nay toàn ngành đều có đơn hàng cho đến 31/12/2024, nhiều công ty bắt đầu áp dụng chế độ làm thêm giờ. Từ tháng 6 trở về trước chúng tôi chỉ áp dụng chế độ làm 8 tiếng/ngày. Nhưng từ giờ cho đến hết năm có rất nhiều đơn vị phải tăng ca và tìm các đơn vị gia công. Trước đây có những đơn vị chỉ có 100 đến 200 công nhân vẫn không duy trì được thì hiện giờ đang phục hồi lại”.
Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may đều đã đầy đơn hàng tới cuối năm nay, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng tới quý 1 năm 2025. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp là thiếu lực lượng lao động để đáp ứng được đơn hàng.
Việc tuyển dụng lao động khó khăn ngay cả với công ty lớn, mặc dù nhiều doanh nghiệp trả lương cao và phúc lợi xã hội tốt. Dự báo, từ nay đến tháng 2/2025 sẽ xuất hiện tình trạng "thúc" đơn hàng từ các đối tác, công ty có thể sẽ phải tuyển thêm nhiều lao động thời vụ để đáp ứng nhịp sản xuất của các đơn hàng.