Thúc đẩy số hóa, nâng cao giá trị cho nông sản Việt
Từ sử dụng sổ tay nông hộ thô sơ để bà con dân tộc thiểu số ở Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn ghi chép thông tin vùng trồng quế, hồi, Công ty Vinasamex đã sớm áp dụng phần mềm nhật ký sản xuất, nhật ký phân xưởng, sử dụng mã số để kiểm soát, truy xuất nguồn gốc ngay từ vùng nguyên liệu một cách có hệ thống, khoa học, hiện đại.
Nhờ sớm số hoá vùng nguyên liệu, Vinasamex đã được cấp hàng chục chứng nhận quốc tế về chất lượng, xuất xứ sản phẩm. Cũng từ đây, sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu tới 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Quyết tâm số hoá nâng cao chất lượng sản phẩm cũng đã đưa Vinasamex sau 10 năm hoạt động đã trở thành thương hiệu quế, hồi cao cấp tiên phong tại Việt Nam xây dựng và sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, đồng hành bền vững với người nông dân vùng cao ở Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai… góp phần nâng tầm sản phẩm quế, hồi nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu đối với các ngành hàng, lĩnh vực sản xuất hiện nay, đặc biệt là với lĩnh vực nông sản. Số hoá giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng tầm giá trị nông sản xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thời gian qua, nhờ ứng dụng công nghệ, số hoá trong sản xuất, kinh doanh, nông sản Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng; đặc biệt không chỉ đáp ứng cho thị trường nội địa, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới gần 200 thị trường, mang lại kim ngạch hàng tỷ USD cho nền kinh tế.
11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 56,74 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 29,78 tỷ USD, tăng 23,2%.
Kết quả này cho thấy, áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị cho nông sản.