Xuất khẩu gỗ đặt kỳ vọng tăng trưởng mạnh vào cuối năm
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 10, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 12,4 tỷ USD, tăng 2,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tốc độ tăng trưởng lên đến 21,6%).
Hiện nay, gỗ và sản phẩm gỗ là một trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch bình quân đạt hơn 10 tỷ USD/năm. Mặt hàng gỗ của Việt Nam hiện đang được nhiều thị trường xuất khẩu lớn ưa chuộng. Có thể kể đến như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất khi chiếm đến trên 50% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Với đà tăng trưởng như thời gian qua, khả năng năm 2024 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có thể cán đích 16 tỷ USD.
Ông Trịnh Minh Huy – Trưởng phòng Marketing, Công ty D'FURNI cho biết:“Những đơn hàng của D’Furni hiện giờ là tăng liên tục luôn và D’Furni phải làm việc toàn công suất”.
Xuất khẩu gỗ đặt kỳ vọng tăng trưởng mạnh vào cuối năm. Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Liêm – Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt chia sẻ:“Những tháng cuối năm xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu có tăng trưởng nhiều hơn những tháng đầu năm. Đối với ngành đồ gỗ ngoài trời, thông thường tập trung xuất khẩu vào tháng 10, 11, 12 và tháng 1. Đối với hàng nội thất, thông thường các quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ, họ tập trung mua sắm vào thời điểm trước Noel và Tết Dương lịch.”
Hiện nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cả thị trường nội địa và quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ đang có nhiều tín hiệu khởi sắc. Tỷ giá hối đoái và lãi suất giảm đang tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Sự phục hồi của thị trường bất động sản, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, sẽ tạo nhu cầu lớn hơn về đồ gỗ và nội thất. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế cho Trung Quốc, và các doanh nghiệp Việt Nam đang được đánh giá khá cao.
Trước những cơ hội này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế về chất lượng, an toàn và yếu tố phát triển bền vững.
Ông Trịnh Minh Huy – Trưởng phòng Marketing, Công ty D'FURNI cho rằng:“Thị trường Mỹ thật ra là một trong những thị trường rất khó tính bởi vì các tiêu chuẩn của họ, ví dụ như là mình phải làm những cái đồ cho dự án đặc thù và phải có những chứng chỉ như là chống cháy lan, và đạt được những yêu cầu về tiêu chuẩn như ISG, đảm bảo về bền vững môi trường và kinh doanh lâu dài nữa, cho nên là thị trường Mỹ rất khó tính nhưng không vì thế mà những doanh nghiệp Việt Nam mình không thể đáp ứng được. Và hiện giờ D’Furni là một trong những nhân chứng sống đã đưa được rất nhiều sản phẩm vào trong dự án cao cấp của Mỹ như là chuỗi dự án Hilton.”
Hiện nay, các doanh nghiệp gỗ và nội thất của Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi sang sản xuất xanh và giảm phát thải để tăng tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên việc này phụ thuộc rất lớn vào nguồn điện sử dụng trong nước.
Ông Trịnh Minh Huy – Trưởng phòng Marketing, Công ty D'FURNI chia sẻ:“Thật ra đây là một tiêu chuẩn dài hơi, trên thế giới đã bắt đầu theo tiêu chuẩn này từ lâu rồi. Họ tiến từng bước rất là vững chắc. VD như mình có 1 số sản phẩm sản xuất ra rồi và mình có vật liệu thừa thì thay vì mình sẽ thải ra ngoài môi trường hoặc là đem đi xử lý rác thải thì không, mình hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm mới hoàn toàn như anh chị có thể thấy những cái đôn bò hoặc những cái ghế lười, mình tận dụng những phần dư thừa, tạo ra sản phẩm mới, mình bán tiếp."
Ngành xuất khẩu gỗ và nội thất của Việt Nam đang có triển vọng tăng trưởng tốt trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức như chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực nội tại. Mặc dù vậy nhưng với sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp cũng như hỗ trợ của các bộ ngành liên quan, ngành gỗ Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin rằng sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường trong mùa cao điểm sắp tới.