Ứng phó điều tra phòng vệ thương mại: Tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu
Tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng mang tính thời đại. Nhận thức đầy đủ, đúng đắn xu hướng đó, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện công cuộc đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuy nhiên, tự do hóa thương mại là cơ hội cho nước xuất khẩu nhưng cũng mang đến cạnh tranh khốc liệt hơn cho các nhà sản xuất tại nước nhập khẩu. Như hệ quả, các nước nhập khẩu hình thành các hoạt động đơn phương, trừng phạt, đối trọng, tạo sự kiềm chế... trong chính trị, kinh tế thương mại và các hoạt động này có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến. Các nước từ việc tận dụng tinh thần tốt đẹp của tổ chức thương mại thế giới (WTO) để tạo ra cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước, thì đã có xu hướng chuyển sang bảo hộ và hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí là bảo hộ quá mức cần thiết.
Trong số các biện pháp bảo hộ đó, phòng vệ thương mại nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên WTO sử dụng. Và với độ mở lớn về kinh tế và đã ký kết nhiều FTA trên thế giới, đến hết tháng 9/2024 đã có 263 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.