Giải bài toán phát triển thương mại điện tử bền vững trong nền kinh tế số
Để có những tìm hiểu, góc nhìn khách quan, đánh giá và có những hiến kế giải pháp đối với môi trường thương mại điện tử trong thực tiễn, ngày 29.11, Viện Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Luật pháp đã kết hợp Công ty TNHH Luật Hồng Bách và Cộng sự tổ chức tọa đàm khoa học ‘Giao dịch thương mại điện tử, pháp lý và thực tiễn’.
Tại chương trình, các chuyên gia đã có những đánh giá phân tích, mổ sẻ, luận bàn, đánh giá về thị trường thương mại điện tử hiện nay. Qua đó, đưa ra những ý kiến đóng góp cho định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững. Các cơ hội, giải pháp để thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tuyến.
Giải bài toàn phát triển thương mại điện tử bền vững trong nền kinh tế số. Ảnh: Thái Mạnh. |
Theo định hướng, đến năm 2025, kinh tế số ngành lĩnh vực đạt tối thiểu 50% kinh tế số cả nước. Chứng tỏ, vai trò của kinh tế số ngành lĩnh vực đóng góp ngày càng nhiều vào kinh tế số. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển quá nhanh hiện nay, hoạt động thương mại điện tử trong thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và lợi dụng cả thương mại điện tử để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để thương mại điện tử phát triển bền vững cần phải cân bằng tất cả các yếu tố tham gia thị trường, từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp quốc tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nội địa, giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp thương mại, giữa người bán hàng và người tiêu dùng… Ngoài ra, cần có các nền tảng kết nối, trao đổi điện tử với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, cùng các vấn đề về trách nhiệm, tranh chấp nếu có. Tuân thủ các cam kết, thỏa thuận hợp tác và chuẩn mực quốc tế về dịch chuyển hàng hóa, dòng thông tin, dòng tài chính.