Doanh nghiệp Việt tận dụng thương mại điện tử vươn ra thế giới
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Thị trường bán lẻ thương mại điện tử ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đang vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Doanh nghiệp Việt tận dụng thương mại điện tử vươn ra thế giới. Ảnh minh họa |
Từ một ngành non trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn thương mại điện tử đã trở thành "trợ thủ" dẫn dắt nền kinh tế số theo đúng định hướng. Thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, thuộc top dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đã khẳng định vai trò, vị thế tiên phong của ngành trong nền kinh tế số.
Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều giải pháp, chính sách đã áp dụng chúng ta đã cơ bản giải quyết các khó khăn, thách thức, thúc đẩy đưa hàng Việt tiếp cận thị trường quốc tế. Tới nay chúng ta đã qua thời kỳ “lăn bánh” và có nhiều cơ hội “vươn mình, cất cánh”.
Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, nắm bắt thời cơ, nhiều doanh nghiệp đã bắt nhịp với xu hướng kinh doanh trên nền tảng công nghệ và chính nhờ sự quyết tâm "thoát xác" trong cuộc đua toàn cầu và gặt hái quả ngọt.
Tuy nhiên, để thương mại điện tử tiếp tục phát triển, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần hiểu rõ ngành hàng, xu hướng tiêu dùng, khả năng kinh doanh để lựa chọn những sản phẩm ngách có nhu cầu cao và phù hợp với lĩnh vực kinh doanh. Cùng với đó, luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và luật định đối với sản phẩm tại thị trường mục tiêu…