Tăng giá trị cho sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ ở vùng cao
Là đặc sản của vùng núi cao, cây chè Shan tuyết không chỉ tạo sinh kế bền vững cho bà con dân tộc thiểu số và miền núi mà còn khẳng định thương hiệu nông sản địa phương.
Chè Shan tuyết được biết đến là giống chè quý hiếm, có vị đặc trưng được nhiều người yêu thích. Không chỉ sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu lý tưởng, chè Shan tuyết còn hội tụ đầy đủ các yếu tố thơm, ngon, sạch, được ví như "vàng xanh", "báu vật" của đất trời.
Tại Hà Giang, trải dọc theo sườn núi Tây Côn Lĩnh, những cây chè cổ thụ được người dân địa phương coi như báu vật của thiên nhiên, vì mỗi năm chúng mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tỉnh Hà Giang cũng xác định chè Shan tuyết là cây trồng mũi nhọn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đây cũng là một trong những sản phẩm tạo giá trị gia tăng cao và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho bà con dân tộc thiểu số và miền núi.
Vì vậy, những năm qua, tỉnh đã tập trung áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng mới, thu hái và chế biến các sản phẩm chè. Nhờ đó, năng suất và chất lượng của chè Shan tuyết không ngừng được nâng lên, tạo nền tảng để phát triển chè Shan tuyết trở thành hàng hóa, giúp bà có nguồn thu trang trải cuộc sống.
Ảnh minh hoạ |
Có diện tích chè Shan tuyết lớn hàng đầu của cả nước, Yên Bái được các nhà khoa học đánh giá là một trong những vùng đất thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm, với hương vị chè đặc trưng không nơi nào có được. Cây chè Shan tuyết mọc chủ yếu trên các triền núi cao, nhiều vùng chè Shan tuyết cổ thụ đã có từ lâu đời và gắn bó với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái. Tổng diện tích chè Shan tuyết trên toàn tỉnh hiện đạt khoảng 3.500 ha, tập trung ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải, Văn Yên và dải rác trên một số ngọn núi cao của huyện Trấn Yên.
Nằm ở độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển, xã Suối Giàng huyện Văn Chấn được thiên nhiên ban tặng cho giống chè Shan tuyết quý hiếm, với hương vị thơm ngon đặc biệt. Nơi đây hội tụ của quần thể với hơn 40.000 cây có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm, đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Đáng chú ý, vùng lõi chè Shan tuyết ở Suối Giàng trải rộng trên diện tích khoảng 400 ha; trong đó, diện tích cây cổ thụ mọc tự nhiên là 290 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp.
Nhờ có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tự nhiên đặc thù của vùng núi cao, chè Shan tuyết Yên Bái cánh to, đều, xoăn chặt, lộ tuyết, mùi thơm mạnh, đặc trưng, khi pha có màu nước xanh và vàng sáng. Hàm lượng khoáng chất cao, có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người.
Riêng với vùng cao Lào Cai, huyện Bắc Hà nổi tiếng là thủ phủ của cây chè Shan tuyết. Chè Shan tuyết cổ thụ Bắc Hà đã được xếp hạng sản phẩm Ocop 3 sao từ năm 2022. Từ phát triển cây chè Shan tuyết đã giúp bà con nông dân Bắc Hà thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.
Huyện Bắc Hà đã và đang chú trọng giữ gìn, phát triển vùng chè Shan tuyết ở Bản Liền, Tả Củ Tỷ và Hoàng Thu Phố. Nơi đây đem lại lợi ích kép khi đã thu hút đông đảo du khách đến với Bắc Hà.
Đặc biệt ngày 28/6/2023, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp, xét duyệt hồ sơ và kết luận công nhận quần thể 105 cây chè Shan tuyết tại thôn Chồ Chải, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà là Cây Di sản Việt Nam. Đây là tín hiệu vui, mở ra cơ hội mới bảo tồn, phát triển cây chè Shan tuyết gắn với du lịch nông nghiệp bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, ghi nhận tại nhiều địa phương vùng cao trồng chè Shan tuyết cho thấy, lâu nay, người dân chỉ quen với việc thu hái, sao, ủ ướp theo phương pháp thủ công. Sau khi chè được hái về tranh thủ sao càng sớm càng tốt, mới giữ được hương vị. Nay nhiều địa phương hình thành liên kết giữa các hộ trồng chè, hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm, đào tạo kỹ thuật thu hoạch cho bà con. Thậm chí để nâng cao chất lượng, có doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị lên đến hàng chục tỷ đồng, hệ thống diệt khuẩn bằng tia UV cùng công nghệ sấy lạnh, bảo quản đã hỗ trợ, giúp cho chè có được nhiều chất vi lợi hơn, bảo quản không thời gian, giá trị mang lại của chè cổ thụ cũng được nâng cao hơn.
Với những giá trị to lớn từ cây chè Shan tuyết, đến nay, người dân, chính quyền các địa phương đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu. Đây không chỉ là cơ sở để thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho bà con mà còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ là thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, giao thương, trao đổi hàng hóa theo tinh thần Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.