Phát triển, tiêu thụ dược liệu cho bà con vùng đồng bào dân tộc và miền núi
Nhiều địa phương vùng đồng bào dân dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ triển khai mô hình trồng cây dược liệu mà còn nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm. Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con.
Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển dược liệu, với hơn 5.000 loài dược liệu, trong đó có nhiều loại quý, hiếm. Hàng năm, số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế nước ta khoảng 100.0000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. Việc sử dụng thuốc, các sản phẩm từ dược liệu đã, đang là xu hướng của thế giới hiện nay.
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ đã quan tâm đầu tư phát triển dược liệu thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó có tiểu dự án 2 “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Phát triển, tiêu thụ dược liệu cho bà con vùng đồng bào dân tộc và miền núi - Ảnh minh hoạ |
Cụ thể hóa chủ trương, nhiều địa phương triển khai mô hình trồng cây dược liệu. Điển hình tại A Lưới - huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế. UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai nội dung "Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (từ 2021-2025).
Dự án vùng trồng dược liệu quý được triển khai trên diện tích 363,4ha tại các xã Quảng Nhâm, A Roàng và Hồng Bắc, có tổng kinh phí đầu tư 229 tỷ đồng. Các loại dược liệu được trồng gồm nhiều loại như: Ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính... Dự án sẽ sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.
Hay tại huyện miền núi Sơn Động của tỉnh Bắc Giang. Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý không chỉ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà còn là tiền đề phát triển các loài cây dược liệu quý có giá trị kinh tế, giá trị dược liệu cao, bảo tồn nguồn gen dược liệu có nguy cơ bị tuyệt chủng trong các tán rừng tự nhiên, trong đó phải kể đến cây nấm lim xanh.
Được biết, tháng 4/2023, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã hoàn thành Báo cáo hỗ trợ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Sơn Động, trong đó đã thực hiện khảo sát khu vực dự kiến xây dựng nhà máy chế biến dược liệu, vùng trồng dược liệu tại 9 xã, với tổng diện tích quy hoạch 362,94 ha.
Còn đối với Lào Cai - 1 trong 8 vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước thời gian qua đã thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho bà con nhờ trồng cây dược liệu. Tỉnh này đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn đạt khoảng 16.000 - 17.000 tấn/năm; 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của tổ chức Y tế Thế giới.
Tuy nhiên, để có được kết quả tích cực này không thể không nhắc đến vai trò của những cán bộ ở các địa bàn đã luôn nỗ lực, sát cánh cùng bà con tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đặc biệt đồng hành cùng bà con trong tiêu thụ sản phẩm.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục xây dựng ổn định vùng nguyên liệu bằng việc bảo tồn các loài cây dược liệu quý tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, Văn Bàn; bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm như tam thất hoang, thất diệp nhất chi mai, hoàng liên ô rô, các loại cây thuốc tắm người Dao; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng diện tích cây dược liệu hàng năm để hình thành vùng nguyên liệu cây dược liệu theo chuỗi giá trị tại Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát.. Ưu tiên chính sách hỗ trợ vùng trồng cây dược liệu, ngành, nghề truyền thống, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu có lợi thế gắn với thực hiện chương trình OCOP của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.