
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 02/12/2023 19:34
Trong vòng 3 đến 4 năm trở lại đây, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam là gỗ và sản phẩm gỗ đã bị Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với mức thuế rất cao, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Riêng thị trường xuất khẩu hàng đầu là Hoa Kỳ đã gia tăng khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm gỗ dán cứng, tủ gỗ, bàn trang điểm của Việt Nam. Đặc biệt, vụ điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam đã làm cho 37 doanh nghiệp gỗ Việt Nam gần như bị “đoạn tuyệt” với thị trường này trong thời gian khá dài.
Trong các kỳ cảnh báo sớm của Bộ Công Thương với những sản phẩm của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh hoặc biện pháp phòng vệ thương mại, gỗ cũng là ngành có nhiều sản phẩm nằm trong diện này nhất.
Từ điểm xuất phát thấp khi chủ yếu sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nguyên liệu thô sang một số nước châu Á, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành trung tâm chế biến gỗ hàng đầu khu vực và thế giới. Và cùng với trợ lực từ hội nhập quốc tế, thực thi các FTA, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 5 thế giới, riêng nhón sản phẩm gỗ nội thất có giá trị gia tăng cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. 9 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,6 tỷ USD và đang hướng tới mục tiêu đạt 17 tỷ USD năm 2023.
Xuất khẩu tăng đồng nghĩa ngành gỗ phải đối diện nhiều hơn các vụ điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Tính đến nay, đã có 234 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có gần 10 vụ việc liên quan đến gỗ và sản phẩm gỗ. Đây là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập, tuy nhiên các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đang gây lo ngại dẫn tới nhiều nguy cơ làm suy yếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Thậm chí ngành gỗ rất dễ mất thị trường xuất khẩu và khiến Việt Nam bị đưa vào danh sách đen điều tra phòng vệ thương mại từ các quốc gia trên thế giới.
![]() |
Xuất khẩu gỗ vững vàng trước “sóng” phòng vệ thương mại |
Sau các va vấp ban đầu, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam hiện đã có sự chủ động hơn trong ứng phó và theo đuổi các vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, trong một số vụ việc doanh nghiệp gỗ đã chứng minh được rằng chúng ta không có hành vi phá giá, trợ cấp, gian lận xuất xứ nhờ đó đã tránh nhận kết quả bất lợi khi bị thị trường áp thuế với mức cao.
Đặc biệt, do nhận thức được các tác động tiêu cực xu thế bảo hộ, nhiều doanh nghiệp gỗ đã tăng năng lực khai thác, sản xuất nguyên liệu đầu vào, hướng tới sản xuất các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao, thay vì gia công chế biến giản đơn, tập trung phát triển bền vững để tránh các các nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh của các nước nhập khẩu khi bước vào sân chơi kinh tế toàn cầu.
Tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, vì thế các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị gia tăng điều tra phòng vệ thương mại từ nhiều thị trường xuất khẩu khác nhau, trong đó có nhiều thị trường mới thay vì các thị trường thường xuyên điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại với Việt Nam như Hoa Kỳ, Ấn Độ.
Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030.
Phát triển chế biến và xuất khẩu gỗ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy việc làm, nâng cao GDP cho cả nước. Vì vậy, để tiếp tục gặt hái những “trái ngọt” xuất khẩu, lan toả các giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc trang bị công cụ cho doanh nghiệp ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại trước khi ra “biển lớn” là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, chính sự phối hợp chặt chẽ, sự đồng hành bền bỉ của Chính phủ, chính quyền địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp sẽ là tấm khiên, là điểm tựa để ngành gỗ vững vàng trước “sóng” lớn về phòng vệ thương mại, góp phần thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế của Đảng và Nhà nước, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.