Cửa khẩu số: Bước đột phá trong xuất nhập khẩu qua cửa khẩu
Việc triển khai nền tảng cửa khẩu số là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số quốc gia và là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Dù chỉ là doanh nghiệp nhỏ và vừa, song mỗi ngày doanh nghiệp này có từ 10 đến 30 xe hàng nông sản xuất, nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trước đây để làm thủ tục thông quan cho số lượng xe hàng, mỗi ngày doanh nghiệp cần từ 2-3 nhân sự và mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, từ khi cửa khẩu số II Kim Thành thực hiện cửa khẩu số, đã giúp doanh nghiệp giảm tải thời gian, công sức làm các thủ tục thông quan. Hiện giờ chỉ cần 1 nhân sự là có thể làm thủ tục thông quan cho toàn bộ xe hàng xuất, nhập khẩu.
Đáng chú ý, là toàn bộ hoạt động của cửa khẩu được công khai, minh bạch, doanh nghiệp sẽ biết hàng hóa, phương tiện của mình đang ở đâu, đã được xử lý ra sao, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Tại cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Vân Nam, Trung Quốc), trước kia mỗi ngày có hàng nghìn lượt doanh nghiệp, thương nhân, lái xe phải đến cửa khẩu để kê khai thủ tục xuất nhập khẩu trên giấy với nhiều công đoạn rườm rà, chưa kể các vướng mắc phát sinh. Giờ đây trền nền tảng cửa khẩu số, doanh nghiệp chỉ mất khoảng từ 5 - 10 phút là có thể hoàn thành việc khai báo thông tin về hàng hóa. Việc theo dõi hàng hóa, phương tiện đang ở đâu và đã được xử lý ra sao cũng trở nên dễ dàng hơn.
Cửa khẩu số được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai chính thức triển khai tại Cửa khẩu đường bộ Quốc tế số II Kim Thành từ ngày 21/8. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này, thay vì phải đến từng bộ phận như trước đây, thì hiện nay chỉ phải qua Trung tâm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại cửa khẩu để nộp hồ sơ và chờ nhận kết quả.
Bên cạnh việc, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, sẽ chống vượt tuyến trong toàn bộ các hoạt động của cửa khẩu, hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động của con người, các dữ liệu được công khai, chia sẻ với các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, giúp ngăn ngừa các tiêu cực phát sinh và sự minh bạch hóa luôn được đáp ứng; thuế, phí sẽ được thu đúng, thu đủ, không thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước.
Hiện nay 100% doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến cửa khẩu. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tại Lào Cai đến thời điểm hiện tại đã đạt hơn 1 tỷ USD về giá trị, số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 400 doanh nghiệp, số lượng xe vận chuyển hàng hoá hàng đạt từ 400 - 450 lượt xe/ngày.
Để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, tỉnh Lào Cai cũng đang tiếp tục hoàn thiện cửa khẩu số kết nối dữ liệu tới các nền tảng và các phần mềm chuyên dùng của các ngành để chia sẻ thông tin.
Trước Lào Cai, nền tảng cửa khẩu số đã được triển khai tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn). Ngoài ra, một số tỉnh biên giới đất liền khác như Quảng Ninh cũng đang nghiên cứu và học tập mô hình này.
Sau 2 năm triển khai, mô hình cửa khẩu số tại Lạng Sơn đã chứng minh được hiệu quả thực tế, hoạt động xuất nhập khẩu đã phát huy tác dụng rõ rệt, vừa rút ngắn thời gian, vừa tạo thuận lợi thông quan. Nền tảng cửa khẩu số Lạng Sơn đã được nâng cấp 26 lần để phù hợp với tình hình thực tế tại cửa khẩu. Đến nay, 100% doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số với gần 300.000 phương tiện và hơn 1.400 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên nền tảng cửa khẩu số.
Kết quả trong ứng dụng nền tảng cửa khẩu số cũng giúp Lạng Sơn được nhận Giải thưởng “Cặp bài toán và giải pháp chuyển đổi số cho địa phương xuất sắc nhất” (Viet Solutions) năm 2022, đồng thời là một trong những cơ quan, đơn vị trên toàn quốc được tặng Giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với nền tảng cửa khẩu số.
Có thể nói, việc triển khai cửa khẩu số tại Lạng Sơn và Lào Cai đang dần tạo nên một mô hình kiểu mẫu về cửa khẩu số trong cả nước, góp phần hình thành hệ thống cửa khẩu số quốc gia, phục vụ cho quản lý nhà nước của Chính phủ và các địa phương phòng chống tiêu cực, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Với trọng tâm là nền tảng cửa khẩu số, thời gian tới là cửa khẩu thông minh, các địa phương trên cả nước sẽ phát huy được tối đa tiềm năng thế mạnh của mình trong kinh tế cửa khẩu, qua đó góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc cũng như nhập khẩu hàng hóa thiết yếu từ nước bạn để phục vụ sản xuất và đời sống, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.