“Xanh hoá” sản phẩm, nông sản “rộng đường” ra nước ngoài
Thời gian qua, nền nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và xuất khẩu mang lại hiệu quả cao. Nông sản Việt vượt mọi rào cản để đến với rất nhiều thị trường được coi là "khó tính" bậc nhất thế giới với những tiêu chuẩn khắt khe như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Úc... Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đã đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Hoa Kỳ đã vươn lên là thị trường dẫn đầu của mặt hàng nông lâm thuỷ sản với kim ngạch đạt 9,72 tỷ USD, chiếm 21% thị phần trong tổng kim ngạch xuất nông lâm, thủy sản của Việt Nam; Nhật Bản là thị trường lớn đứng thứ ba với hơn 3 tỷ USD, chiếm thị phần 6,6%... Tại các thị trường khó tính khác như EU, Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đều gia tăng.
“Xanh hoá” sản phẩm, nông sản “rộng đường” ra nước ngoài |
Trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về việc sản xuất nông nghiệp xanh - sạch, ít phát thải của các nhà nhập khẩu "khó tính", việc nông sản Việt xuất khẩu thành công sang các thị trường này cho thấy các doanh nghiệp phần nào đã hiểu và dần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang nông nghiệp xanh nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Thị trường tiêu thụ nông sản xanh, nông sản hữu cơ trên thế giới rất lớn, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ. Đâylà cơ hội để doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã (HTX) vươn lên, tham gia đầu tư phát triển lĩnh vực này. Thực tế từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, việc chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ đã và đang mang lại hiệu quả lớn cho sản xuất kinh doanh.
Câu chuyện từ Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi (Vinasamex) là một ví dụ.Trước đây, sản phẩm quế hồi gia vị của người dân chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau này, khi đầu tư vào vùng nguyên liệu tại Yên Bái, Lào Cai, Vinasamex mong muốn mang sản phẩm xuất khẩu sang một số thị trường khác để đa dạng thị trường. Giai đoạn đầu, công ty bán sang một số thị trường trung và thấp cấp, không đòi hỏi về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm và mặc dù doanh nghiệp không làm bất cứ chứng nhận nào nhưng sản phẩm vẫntiêu thụ tốt. Tuy nhiên sau 3 năm, doanh nghiệp gần như không có lợi nhuận bởi chỉ bán sản phẩm khách hàng mong muốn có giá rẻ nhất. Sau đó, Vinasamex quyết định chuyển sang nông nghiệp hữu cơ và hiệu quả thu được là rất lớn.