Xử nghiêm vi phạm quảng cáo trên các nền tảng thương mại điện tử
Thời gian qua, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã thúc đẩy nền kinh tế số tăng trưởng vượt bậc. Đạt quy mô hơn 20 tỷ USD trong năm 2023 và duy trì tốc độ tăng trưởng kép trên 17%/năm từ 2019 đến nay, hoạt động thương mại điện tử đang cho thấy đà tăng trưởng ấn tượng. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quen thuộc với việc mua sắm trực tuyến, đặc biệt là các ngành hàng như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng và đồ công nghệ với giá trị mua sắm bình quân mỗi người đã vượt mức 300 USD.
Với nhiều lợi thế lớn như công nghệ hiện đại, lượng người dùng lớn, có nhiều dữ liệu về hành vi người dùng phục vụ bán quảng cáo hiệu quả nên các nền tảng xuyên biên giới như Google, Youtube, Facebook, TikTok đang chiếm ưu thế trong hoạt động quảng cáo so với các kênh truyền thống. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quảng cáo các nền tảng này vẫn nhức nhối, tràn lan mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh và ngăn chặn.
Lý do được các cơ quan chức năng đưa ra, là một số nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, không thông báo thông tin liên hệ hoặc thông báo chưa đầy đủ cho cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, có tình trạng các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook buông lỏng việc quản lý người dùng, cho phép họ kiếm tiền bằng cách đặt quảng cáo ngay cả trên những nội dung vi phạm pháp luật.
Cùng với sự buông lỏng quản lý của các nền tảng, nhiều đại lý quảng cáo còn tâm lý chủ quan, chạy theo lợi nhuận, dẫn đến việc đặt quảng cáo tràn lan, trên cả các trang thông tin điện tử vi phạm, kém chất lượng. Điều này dẫn đến quảng cáo của nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp bị gắn vào những nội dung xấu độc, sai sự thật, câu view, vi phạm bản quyền.
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm này, thời gian qua, không chỉ các cơ quan chức năng, nhiều địa phương cũng vào cuộc tích cực. Đơn cử mới đây, trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh gửi kèm một số hình ảnh của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại vượt 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ.
Những dấu hiệu vi phạm diễn ra phổ biến trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, mạng xã hội trong thời gian gần đây cũng đang gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường phân phối, bán lẻ và tiêu dùng.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Sở kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, kết nối với các đối tác quốc tế, tham gia các hội chợ thương mại điện tử, triển lãm trực tuyến toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới…
Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng có thể nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến thuế, hải quan, đảm bảo các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài có cơ chế nộp thuế đầy đủ khi kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ, thu thuế công bằng đối với sản phẩm nước ngoài bán tại Việt Nam thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Liên quan đến vấn đề này, hiện các đơn vị chức năng như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quảng cáo trên không gian mạng.