Tăng cường xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam ra thị trường
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch trên 2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, với trên 5.400 làng nghề và làng có nghề trên phạm vi cả nước, trong đó, có trên 1.800 làng nghề truyền thống, giá trị kim ngạch xuất khẩu như vậy còn khiêm tốn so với tiềm năng.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nguyên nhân có thể do chưa có chủ trương truyền nghề rộng rãi do tư tưởng cha truyền con nối, không truyền nghề cho người ngoài nên có rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đã bị thất truyền, hoặc bị mai một qua thời gian. Bên cạnh đó, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm yếu kém do các thế hệ được truyền nghề không đủ đam mê với nghề, trong khi thu nhập và giá trị tạo ra chưa đủ hấp dẫn. Năng lực phát triển sản xuất, phát triển thị trường còn hạn chế do điều kiện kinh tế khó khăn và chưa được quan tâm, chú trọng thường xuyên, liên tục.
Thủ công mỹ nghệ là mặt hàng kết tinh, phản ánh văn hóa truyền thống lâu đời của một dân tộc |
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ có ý nghĩa quan trọng trong quảng bá văn hóa truyền thống trên trường quốc tế và là cầu nối giao lưu văn hoá, giúp các dân tộc nhanh chóng hội nhập với khu vực và thế giới.
Do đó, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã được giao nhiệm vụ triển khai các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp, các sản phẩm và các ngành hàng trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Chương trình xây dựng, phát triển thương hiệu ngành hàng Việt Nam.
Trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Xúc tiến thương mại hàng năm đều trực tiếp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức các hoạt động: Nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư; tổ chức các khóa đào tạo về thiết kế, phát triển sản phẩm và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu; tư vấn, hỗ trợ đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước; thực hiện tuyên truyền, quảng bá thương hiệu ở trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại triển khai nhiều giải pháp quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ như dành nguồn kinh phí cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm này. Năm 2019, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các đối tác Hàn Quốc vận hành Trung tâm thiết kế Việt Nam – Hàn Quốc tại Hà Nội. Từ đó, đây đã trở thành địa điểm tổ chức triển lãm, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thu hút được sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp. Tại đó, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ cũng được kết nối trực tiếp với các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước. Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại còn tích cực quảng bá sản phẩm trên nền tảng số.
Thời gian tới, cùng với các mặt hàng khác, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước thông qua việc xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính bền vững, liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu. Tăng cường phối kết hợp với các chương trình xúc tiến thương mại của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; kết hợp hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, xúc tiến văn hoá, xúc tiến du lịch cũng như các hoạt động quảng bá khác.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, theo các chuyên gia, việc xúc tiến thương mại sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp bởi đây mới chính là chủ thể được hưởng lợi nhiều nhất từ việc xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Thời gian tới, để ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tăng sức cạnh tranh với các nước, rất cần sự thay đổi lớn, cải tiến thiết kế mẫu mã, đẩy mạnh công tác quảng bá và phát triển thương hiệu, tích cực xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu… Đây cũng là hoạt động trọng tâm Bộ Công Thương triển khai nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các làng nghề thủ công mỹ nghệ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để tăng cường tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ cả trong và ngoài nước, cần tạo được các “con chim đầu đàn” trong ngành có đủ tiềm lực quy mô sản xuất, nguồn lao động chất lượng cao, sản xuất các sản phẩm hợp chuẩn quốc tế để giúp các doanh nghiệp nhỏ, cực nhỏ trong các làng nghề cùng phát triển. Đồng thời các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cũng được chuyển hướng, đẩy mạnh triển khai trên các nền tảng số, tận dụng triệt để các công cụ trực tuyến nhằm phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỉ USD vào năm 2025.