Sản xuất xanh để xuất khẩu bền vững
Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới trong dòng chảy thương mại. Đồng thời, là động lực để thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Là doanh nghiệp sản xuất dao muỗng nĩa gỗ dùng 1 lần, xuất khẩu EU, tới đây, Công ty TNHH Kẻ Gỗ sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn chống phá rừng của EU (gọi tắt là EUDR). Để đáp ứng yêu cầu thị trường, doanh nghiệp đã xúc tiến, làm chứng nhận rừng tại Bắc Kạn nhằm chứng minh nguồn gốc và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Bởi theo đại diện doanh nghiệp này, khi tham gia vào thị trường lớn, nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường thì sẽ rất khó vào.
Sản xuất xanh để xuất khẩu bền vững |
Có thể thấy, các thị trường nhập khẩu trên thế giới ngày càng có xu hướng sử dụng nhiều chính sách bảo hộ dưới các hình thức khác nhau. Đồng thời, các thị trường phát triển cũng ngày càng quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững. Nhiều tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Trong đó, quy định về chống phá rừng, hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU sẽ tác động trực tiếp tới nhiều lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam.
Cụ thể, với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon không chỉ tác động trực tiếp tới 6 ngành công nghiệp, gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hidro, mà sẽ gián tiếp tác động tới các ngành hàng tiêu thụ nhiều nguyên liệu và năng lượng.
Với quy định chống phá rừng, các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ... phải chứng minh hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng hoặc góp phần làm suy thoái rừng.
Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới "tính xanh" của chuỗi cung ứng. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi này.