Phòng vệ thương mại tác động tích cực đến các ngành sản xuất
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế với nhiều biến động như hiện nay, vai trò của công tác phòng vệ thương mại là hết sức quan trọng.
Việc mở rộng xuất khẩu không chỉ là một cơ hội lớn mà còn là thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam. Mặc dù thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, song cũng tồn tại rất nhiều khó khăn, hạn chế với doanh nghiệp. Một trong những thách thức lớn đó là việc các nước tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tính đến nay, đã có 263 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó có các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thuỷ sản, sắt thép, nhôm, gỗ, sợi... Trong đó, đứng đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (144 vụ), 53 vụ tự vệ, 38 vụ chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và 28 vụ chống trợ cấp.
Mặt khác, việc mở cửa thị trường nội địa cho hàng hóa từ các nước đối tác cũng giúp thị trường Việt Nam sôi động và cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, khi thuế quan ưu đãi được cắt giảm nhanh, nguy cơ hàng nước ngoài nhập khẩu ồ ạt hoặc cạnh tranh không lành mạnh vào Việt Nam gây thiệt cho các ngành sản xuất trong nước.
Vì vậy, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại là cần thiết để chống lại hiện tượng hàng nhập khẩu cạnh tranh không công bằng và để khắc phục các thiệt hại đáng kể từ các hiện tượng này.
Trên thực tế, tính từ vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên năm 2009 đến nay, Việt Nam đã tiến hành 30 cuộc điều tra và và đang duy trì áp dụng 22 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu như thép, đồ gỗ, nhựa, xơ sợi, phân bón, đường, bột ngọt...
Tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại ước đạt 475 nghìn tỷ đồng. Số lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp khoảng trên 36.000 người. Thu ngân sách hàng năm từ thuế phòng vệ thương mại đạt từ 1.200 đến 1.500 tỷ đồng.
Đối với các ngành hàng xuất khẩu, việc xử lý một cách thỏa đáng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đã giúp các doanh nghiệp tận dụng và giữ vững được những kết quả do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đem lại.
Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương.
“Trong cái thời gian tới thì chúng tôi ngoài cái việc đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp thì chúng tôi cũng sẽ tiếp tục và có các hoạt động tuyên truyền như là chia sẻ, phổ biến các cái quy định về phòng vệ thương mại rộng rãi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp. Không chỉ là những cái quyết định tiến hành cũng như là cái việc, các cái quy định mới về phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp trong nước có thể nắm được, để có thể là áp dụng một cách phù hợp.
Trong cái quá trình đó thì chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc kiểm tra phòng vệ thương mại sẽ tiến hành một cách công bằng, cách minh bạch, tuân thủ các quy định pháp luật trong nước và lắng nghe cũng như là sử dụng thông tin từ các dữ liệu tất cả các bên liên quan cung cấp.”
Các công cụ phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được sử dụng hợp lý, theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế đang góp phần hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển bền vững trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế và tăng cường năng lực của đội ngũ doanh nhân trong nước.
Việc xử lý một cách phù hợp các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng đã giúp cho nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp tránh được rủi ro và tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại mà thị trường xuất khẩu áp dụng. Qua đó, giúp các doanh nghiệp giữ được thị trường và ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Có thể lấy câu chuyện của ngành đường như một ví dụ điển hình. Trước năm 2020, ngành đường Việt Nam đã phải đối mặt với nguy cơ phá sản do giá đường nhập khẩu từ Thái Lan thấp hơn giá thành sản xuất trong nước. Diện tích trồng mía và sản lượng đường giảm mạnh, buộc nhiều nhà máy đường phải thu hẹp hoặc đóng cửa.
Trước áp lực trên, ngày 20/8/2020, ngành đường Việt Nam nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp. Ngày 21/9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra. Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế tạm thời chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan. Đến ngày 16/6/2021, Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức.
Sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ, sản lượng đường của Việt Nam tăng 161% vào vụ 2023-2024 so với vụ 2020-2021. Người tiêu dùng được hưởng lợi khi giá đường trong nước luôn thấp hơn so với khu vực và thế giới.
Ông Trần Vĩnh Chung – Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA)
“Sản lượng đường qua niên vụ 2023-2024 này là sản lượng đường đã tăng 4 vụ liên tiếp và đạt mức sản lượng tăng 161% so với niên vụ 2020-2021. Cụ thể là năm 2020-2021 là chúng ta chỉ sản xuất được 689.830 tấn đến 2023-2024 chúng tôi đã tổng kết vào tháng 9 vừa rồi, chúng tôi sản xuất được 1.107.777 tấn, tức là tăng lên 161%. Trong đó, miền Trung và Tây Nguyên có lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp và công nghiệp chế biến đã tăng trưởng lên đến 196% so với niên vụ 2020-2021.”
Bên cạnh ngành đường thì phòng vệ thương mại cũng có tác dụng mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành thép.
Trong những năm gần đây, do nhiều lý do khác nhau, ngành thép trên toàn cầu đã phải đối mặt với vấn đề rất lớn là dư thừa công sức. Theo tính toán của diễn đàn dư thừa công sức thép toàn cầu, dư thừa công suất thép đến nay vào khoảng 551 triệu tấn.
Hiện nay ngành thép đang phải đối mặt với câu chuyện mất cân đối cán cân xuất nhập khẩu. Sự mất cân đối này rơi vào khoảng 2,9 triệu tấn, chúng ta nhập siêu nhiều hơn là xuất khẩu. Điều này đã tạo ra áp lực rất lớn đối với ngành thép Việt Nam.
Đặc biệt là thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2023, thép nhập khẩu Trung Quốc vào Việt Nam chiếm khoảng 62% tổng lượng nhập khẩu thép của Việt Nam. Việc mất cân đối cung cầu khiến nhiều nhà sản xuất thép của Trung Quốc và nước ngoài cũng đã tìm mọi cách giải quyết hàng tồn kho, bằng cách xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Họ sử dụng chiến lược hạ giá để đẩy hàng tồn.
Các doanh nghiệp thép Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ mất thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp thép đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản.
Trước thực trạng đó, ngành thép đã được Cục Phòng vệ thương mại tham mưu cho Bộ Công thương khởi xướng điều tra 12 vụ việc liên quan đến thép không rỉ, tôn mạ màu, phôi thép, thép 91, thép nguội và gần đây nhất là 2 vụ việc khởi xướng là tôn mạ và vụ việc thép cuộn cán nóng và 1 vụ việc đang rà soát là thép không rỉ.
Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)
“Khi mà áp dụng các biện pháp này thì các doanh nghiệp nội địa sẽ có lấy lại lợi thế cạnh tranh, ở đây cụ thể là cạnh tranh về giá. Duy trì được thị phần doanh thu, lợi nhuận, bù đắp chi phí cũng như là tái đầu tư. Ngoài ra, hiệu ứng của các quyết định điều tra ngay từ ban đầu cũng đem lại dấu hiệu tích cực trên thị trường và cải thiện thị trường nội địa và mở rộng thị phần thép nội địa.
Các biện pháp phòng vệ thương mại còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động. Theo như tính toán của chúng tôi thì cũng bảo vệ hàng trăm nghìn người lao động trực tiếp và gián tiếp.”
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm vừa qua, Việt Nam đã sản xuất được 21,9 triệu tấn thép, tăng lên 8%, xuất khẩu tăng 6,8%, tương đương khoảng 6,4 triệu tấn. Sản phẩm thép của chúng ta hiện nay đang được xuất khẩu trên 30 thị trường trên thế giới. Trong đó, ASEAN đứng đầu với khoảng 26%, tiếp theo là EU 25%, Hoa Kỳ 15%, và các quốc gia khác.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại
“Chúng ta cũng không ngừng cải thiện hệ thống pháp lý về phòng vệ thương mại, đảm bảo các quy định luôn phù hợp với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường. Sự minh bạch và hiệu quả trong công tác phòng vệ thương mại sẽ giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, nơi doanh nghiệp có thể phát huy tối đa tiềm năng và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.”
Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện các công cụ phòng vệ thương mại, nâng cao năng lực điều tra và xử lý vụ kiện, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường sự bảo vệ cho các ngành sản xuất trong nước.