Phát triển xuất nhập khẩu bền vững
Trong thời gian vừa qua, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã cho thấy những bước đi mạnh mẽ, liên tiếp chinh phục và phá vỡ các mốc kỷ lục.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt dấu mốc 100 tỷ USD vào năm 2007 và chỉ sau 4 năm, tức vào năm 2011, con số này đã tăng gấp đôi và đạt 200 tỷ USD.
Cũng trong khoảng thời gian 4 năm tiếp theo (tức năm 2015), xuất nhập khẩu Việt Nam đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD; và vào giữa tháng 12/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD. Trị giá xuất nhập khẩu tiếp tục cán mốc 500 tỷ USD trong nửa cuối tháng 12/2019 và đạt 600 tỷ USD vào tháng 11/2021.
Phát triển xuất nhập khẩu bền vững |
Bước sang năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD. 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 578,47 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm, nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt qua khó khăn, điều này cho thấy sự nỗ lực của Bộ Công Thương về điều hành xuất khẩu.
Hàng hóa của Việt Nam từ chỗ "tự sản, tự tiêu", có lúc còn thiếu trước hụt sau, thì sau hàng chục năm đã không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam đã hiện diện ở trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhìn tổng thể, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.