Loay hoay bài toán 'an cư lạc nghiệp' cho nông sản Việt tại 'sân nhà'
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bốn tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị xuất siêu của toàn ngành là 4,74 tỷ USD, tăng 71,5%. Với kết quả này, ngành nông nghiệp đang sẵn sàng vươn tới những kỷ lục mới về xuất khẩu.
Số liệu từ Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, bốn tháng đầu năm 2024, nhiều mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu bình quân tăng cao so với cùng kỳ, như: gạo đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%; cà-phê 3.402 USD/tấn, tăng 49,7%; cao su 1.487 USD/tấn, tăng 6,9%; hạt tiêu 4.214 USD/tấn, tăng 36,4%.
Là một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao ngay từ những tháng đầu năm, ngành rau quả đang trên đà hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt mức kỷ lục 6-6,5 tỷ USD.
Để đạt được những kết quả trên, không chỉ là sự nỗ lực của các bộ ngành, trong đó có vai trò rất lớn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cũng như các địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị ngành hàng. Tuy nhiên, có một thực tế cũng cần nhìn nhận, mặc dù nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như các sản phẩm Việt chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến rộng rãi. Và dường như sản phẩm nông sản chất lượng chưa được chú trọng tiêu thụ tại thị trường nội địa. Theo đó, bài toán “an cư lạc nghiệp” cho nông sản ngay tại sân nhà vẫn còn bỏ ngỏ.
Ghi nhận của Báo Công Thương tại một số hệ thống các siêu thị và trên các sàn thương mại điện tử, để tìm kiếm những sản phẩm nông sản chất lượng xuất khẩu được bày bán trên các kệ hàng Việt là rất hiếm hoi. Nhiều người tiêu dùng muốn cũng khó để mua.
Lý giải về tình trạng nông sản Việt “chậm chân” ngay trên sân nhà, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân cốt lõi nhất đó là do hàng xuất khẩu có giá trị cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn. Trong khi, với những sản phẩm cùng loại, tiêu thụ trong nước, giá cả khó có thể cạnh tranh.
Đơn cử, một sản phẩm đã và đang rất có thế mạnh tại thị trường Trung Quốc đó là Dầu sở xứ Lạng do công ty TNHH MTV Ocean line sản xuất. Đây là một loại dầu có giá trị dinh dưỡng cao, được xem như sản vật quý của Lạng Sơn, ngày càng khẳng định giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần ổn định đầu ra cho cây sở ở Lạng Sơn, song thực tế, hiện 90% sản phẩm sản xuất ra không được tiêu thụ tại thị trường nội địa, mà chủ yếu hàng đang được xuất khẩu cho Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, ngoài cạnh tranh về giá, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh muốn, thiếu nguồn vốn, sự đầu tư đồng bộ cũng đang là rào cản khiến chất lượng nông sản Việt lỗi nhịp ngay tại sân nhà.
Để chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, theo các chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần có chính sách khích lệ tổ chức sản xuất vừa tăng năng suất, chất lượng, vừa đảm bảo giá thành cạnh tranh. Đồng thời, tham gia hỗ trợ xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm rộng rãi tới người tiêu dùng. Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh phải xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp, tiếp thị cả kênh truyền thống lẫn kênh hiện đại, cả siêu thị lẫn chợ truyền thống các mặt hàng của Việt Nam.
Với tiềm năng thị trường trong nước có gần 100 triệu dân, song song với các mục tiêu xuất khẩu, theo các chuyên gia cho rằng, nông sản Việt Nam không nên và không thể bỏ quên thị trường nội địa. Bởi thực tế, nếu doanh nghiệp bỏ thị trường nội địa tức là đã tạo cơ hội cho hàng nước ngoài tràn vào, với những lợi thế về giá cả và mẫu mã sẽ dẫn tới người nông dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam chính là những đối tượng bị thiệt hại.
Theo đó, một trong những thách thức đặt ra là người nông dân và doanh nghiệp làm cách nào để khai thác hiệu qủa thế mạnh thực sự từ thị trường nội địa. Bởi với gần 100 triệu dân Việt Nam ủng hộ nông sản Việt là ủng hộ cho nền nông nghiệp nước nhà, tạo công ăn việc làm cho nông dân. Đồng thời, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững ngay tại sân nhà.